Theo dõi trên

Bình Hưng - Hưng Long: Qua trang lịch sử… Kỳ 1

22/11/2024, 05:43

Kỳ 1: Từ chuyện xưa làng cũ…

Theo kế hoạch sắp xếp các Đơn vị hành chính cấp xã của TP. Phan Thiết trong giai đoạn 2023 - 2025, sắp tới phường Bình Hưng và Hưng Long sẽ sáp nhập lại thành phường Bình Hưng mới có diện tích tự nhiên là 1,59 km², quy mô dân số 22.834 người, phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Một trong những nguyên do vẫn giữ tên gọi phường mới là Bình Hưng là từ nguồn gốc khi Phan Thiết thành lập 6 phường theo nghị định ngày 28/11/1933 của toàn quyền Đông Dương, các làng xã cũ được chuyển lên và sáp nhập lại thành phường, trong đó phường Bình Hưng là do hộ Đảng Bình, vạn Quảng Bình và một phần làng Hưng Long xưa nhập lại.

lich-su.jpg

Từ đó, Bình Hưng và Hưng Long gắn bó với nhau, lại càng gắn bó hơn nữa khi trong kháng chiến chống Pháp là chung một địa bàn của Cảm tử đội Phan Thiết từ hướng Đông của thị xã và trong kháng chiến chống Mỹ có chung một đội công tác với phiên hiệu Đội công tác Bình Hưng - Hưng Long chịu trách nhiệm chung địa bàn 2 ấp Bình Hưng - Hưng Long và cả 2 ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Hải do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mới lập thêm. Sau ngày giải phóng 30/4/1975, chính quyền cách mạng bỏ tên gọi ấp, xây dựng lại 2 phường Bình Hưng, Hưng Long (ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Hải được nhập vào phường Hưng Long). Vì vậy, tháng 4/2003, Đảng bộ phường Bình Hưng (được sự thống nhất với Đảng bộ phường Hưng Long) đã xuất bản tập sách Lịch sử “Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân phường Bình Hưng - Hưng Long”.

Theo khảo cứu của chúng tôi, làng Hưng Long là tên gọi mới vào cuối thế kỷ 18 đó là thời điểm ngư dân từ miền Trung vào ở tập trung, có điều kiện xây đình bề thế với vách gạch, mái ngói âm dương, còn trước đó từ xa xưa chỉ có rải rác cư dân ở vùng động cát này với tên gọi là thôn Minh Long. Ngôi chùa nổi tiếng ở Hưng Long là chùa Cát (Phật Quang tự) còn lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa gồm 118 bản khắc gỗ với 600.000 chữ Hán khắc ngược trên cả 2 mặt gỗ thị, bản cuối cùng trong 118 bản khắc gỗ ghi: “Long Đức tam niên tuế thứ Giáp Dần tứ nguyệt sơ nhất nhật”, tức hoàn thành vào ngày mồng 1 tháng tư năm Long Đức thứ 3 (Giáp Dần 1734). Ngoài bộ kinh Pháp Hoa, chùa Cát còn có chiếc đại hồng chung bằng đồng rất lớn, đúc vào năm Canh Ngọ 1750, trên mặt chuông có khắc địa danh xây dựng chùa là Minh Long thôn. Cho đến thời vua Đồng Khánh trong “Đồng Khánh địa dư chí tỉnh Bình Thuận” (1886 -1888) còn ghi tên các làng (xã, thôn) ở tả ngạn sông Cà Ty: xã Trinh Tường, xã Phú Tài, thôn Long Khê, thôn Đảng Bình, thôn Minh Long.

Thôn Minh Long (sau này là Hưng Long) địa bàn rất rộng lớn, có bãi biển chạy dài từ ngảnh Tây gành đá (sau này là bãi Thương Chánh) ra tới cửa sông Phú Hài. Trong tập sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân phường Bình Hưng - Hưng Long” có ghi: “Ngược dòng thời gian, theo các lão ngư truyền miệng cho nhau từ đời này sang đời khác: Hưng Long ngày xưa có tên là Cổ Lũy. Dân vào định cư ở đây là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, mà chủ yếu là bà con vùng biển Cổ Lũy. Vạn chài đầu tiên hình thành từ Bãi Ngàn (sau này gọi là Vĩnh Thủy, còn cái hồ từ xa xưa dân gian gọi là Ao Lấp). Trải qua thời gian, nam bồi, bấc lở, những con sóng triều tàn ác đã cuốn mất vạn chài Cổ Lũy. Một bộ phận ngư dân phải vào sâu khai phá làm ăn, xóm Đầm hình thành. Một bộ phận chuyển vào cửa sông, lập làng, bám biển sinh sống...”. (Năm 1956 bà con miền Bắc di cư vào lập “Trại định cư xóm Đầm” rồi mới san ủi vùng động cát này lập nên Giáo xứ Thanh Hải ngày nay).

Trong bài “Câu chữ của các cổ đình Phan Thiết” đăng trên báo Bình Thuận cuối tuần số 7571 ngày 26/4/2024, Nhà nghiên cứu Hoàng Hạnh đã ghi lại đôi câu đối của đình làng Hưng Long:

“Đình làng Hưng Long nay thuộc địa bàn phường Hưng Long, TP. Phan Thiết. Câu đối của đình Hưng Long được đặt ngay trước cửa đình:

興 盛 順 千 秋 乃 長 福 田 先 祖 種

隆 安 和 百 世 所 從 心 地 後 人 耕

Phiên âm: Hưng thịnh thuận thiên thu nãi trường phúc điền tiên tổ chủng

Long an hòa bách thế sở tùng tâm địa hậu nhân canh

Tạm dịch: Hưng thịnh thuận ngàn năm, nhờ tổ tiên lâu dài gieo ruộng phước

Vượng yên hợp trăm đời, nhắc người sau theo đó dưỡng đất tâm.

Làng Hưng Long ở tả ngạn sông Cà Ty, xưa có các xóm Khoai, xóm Đầm, xóm Dừa… họp thành làng. Do đặc trưng nghề nông của dân làng nên câu đối của đình làng cũng có hình ảnh cày xới vun trồng gần gũi với cuộc sống. Nhưng đối tượng gieo trồng không phải là lúa khoai… mà là phước đức, tổ tiên đã gieo hạt giống lành trong cộng đồng nên cuộc sống được hưng vượng dài lâu. Ăn quả nhớ người trồng cây, người đời sau nên noi theo đó vun xới đất tâm để được thịnh yên hòa hợp trăm đời”.

Vào cuối thế kỷ 18, tại khu vực Đầm bấy giờ cũng còn lắm hoang vu với nhiều mồ mả đắp đất và rừng gai lưỡi long, các chức sắc và dân làng mới lập nên chùa Thanh Minh (Thanh Minh tự) để thờ cúng các bậc tiên linh, vong linh, âm hồn những người đã khuất không nơi nương tựa. Một thời gian sau thì thỉnh tượng ngài Tiêu Diện Đại Sĩ từ chùa Cát (Phật Quang) về thờ trong chánh điện, và miếu Năm bà Ngũ Hành cũng được di dời về đây. Một số tư liệu Hán Nôm liên quan đến thời gian tạo lập và trùng tu chùa như bức hoành phi ghi “năm Tự Đức thứ 29” (1876) và thanh xà cò ở nóc chánh điện ghi “Tuế thứ Ất Tỵ niên hạ quý nguyệt lương thời cát nhật hưng tạo” (Hưng tạo vào giờ lành ngày tốt tháng 6 Ất Tỵ - 1905). Sau giải phóng 1975, đến tháng 10/1975 phường Hưng Long đã giao toàn bộ xóm Khoai, xóm Đầm qua để thành lập phường mới Phú Thủy. Năm 1978, bà con xóm Khoai, xóm Đầm bắt đầu vào làm ăn tập thể xây dựng Tập đoàn sản xuất rau xanh rồi tiến lên Hợp tác xã, để nhớ về nguồn gốc của mình Hợp tác xã mang tên “Hợp tác xã rau xanh Phú Hưng” (Phú Thủy - Hưng Long). Năm 1991, xóm Đầm và xóm Khoai lại nằm trong Dự án sân Golf Phan Thiết do nước ngoài đầu tư trong kế hoạch bước đầu phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận, vì sự phát triển của quê hương, bà con lại di dời ra ở khu dân cư mới đường Tuyên Quang và chuyển nghề từ “trồng khoai trồng rau” sang “thương mại dịch vụ”, lập nên một khu phố mới: Khu phố 8 phường Bình Hưng. Nay phường Bình Hưng và phường Hưng Long chuẩn bị nhập lại, có người nói vui “châu về hiệp phố”.

Nhân đây cũng xin nói thêm, đến cuối năm 2012, Công ty cổ phần Rạng Đông đã chuyển nhượng, tiếp quản lại toàn bộ dự án sân Golf Phan Thiết từ nhà đầu tư nước ngoài và chuyển đổi sang “Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết”. Song ngoài phạm vi nghiên cứu của người viết, ở đây tác giả chỉ nói đến lĩnh vực văn hóa và lịch sử mà mình yêu thích. Đó là, vào tháng 10/2015, Công ty cổ phần Rạng Đông đã khởi công tôn tạo và phục dựng công trình “Thanh Minh tự và Miếu Ngũ hành” và hoàn thành vào tháng 10/2016. Theo đó đã khôi phục lại kiểu dáng, kết cấu kiến trúc và nét trang nghiêm cổ kính của một công trình kiến trúc dân gian ở thế kỷ 19. Ngoài trùng tu tôn tạo Chánh điện Thanh Minh tự, miếu Ngũ hành, nhà Nhóm, nhà Khói…là những công trình xưa, Công ty còn xây dựng thêm cổng Tam quan, Quan Âm các, Nhà bia… Đồng thời mở rộng khuôn viên, lập hồ nước trồng sen thả cá bao quanh, tạo thành một thiết chế tín ngưỡng khang trang, bề thế tọa lạc ngay giữa trung tâm Khu đô thị du lịch Phan Thiết. Thanh Minh tự và Miếu Ngũ Hành đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 5/1/2017. Thanh Minh tự và Miếu Ngũ hành của làng Hưng Long xưa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan “Nét trầm mặc giữa thành phố biển” của khách thập phương mỗi lần đến Phan Thiết.

Còn thôn Long Khê và thôn Đảng Bình (gồm hộ Đảng Bình và Vạn Quảng Bình) thì từ lâu đã không còn tên gọi. Trước nhất là thôn Long Khê, là một thôn trung tâm của bờ tả ngạn sông Phan Thiết, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với những ngọn đồi cao nhiều cây to bóng mát, nhiều khe nước nhỉ từ lòng cát trắng chảy ra (sau này làm động giá Phú Trinh và động giá Bình Hưng). Vì vậy, vào năm 1867 lúc Lục tỉnh Nam kỳ lọt vào tay giặc Pháp, nhà thơ Nguyễn Thông đã tỵ địa ra Phan Thiết, chọn nơi ở là thôn Thành Đức, lập Ngọa Du Sào (nay thuộc khu di tích Dục Thanh), năm 1880 ông đứng ra lập Hội quán Đồng Châu xã, đóng Hội sở tại làng Long Khê, tập hợp những người tỵ địa từ trong Nam ra, năm 1882 cũng tại làng Long Khê ông cho dựng đền Ngu Hiền làm nơi thắp hương tưởng nhớ các vị danh nhân Nam kỳ đã bỏ mình vì đất nước và lập Thi xã làm nơi ngâm vịnh thơ phú đàm đạo thế sự với các nhà Nho học trong vùng (Trước đó, sách “Quốc triều hương khoa lục” ghi nhận: làng Long Khê đất học, quê quán của hai nhà Nho học nổi tiếng Lương Hữu Liễu, Lương Hữu Lý cùng đỗ cử nhân khoa thi Quý Dậu 1873, triều Tự Đức thứ 26, tại trường thi Bình Định). Nhà nghiên cứu Trương Quốc Minh (Minh Quốc) cho biết: Một đêm trăng sáng bàng bạc trên sông Phan Thiết, Nguyễn Thông tức cảnh làm bài thơ “Phan giang dạ bạc” (Đêm trên sông Phan) ca ngợi vẻ đẹp sông Phan với câu thơ đẹp “Cô chu thoa lạp nguyệt minh trung” (Thuyền đơn nón lá ngợp ánh trăng). Còn Hòa thượng Thích Huệ Tánh, nguyên trụ trì chùa Phật Quang đời thứ 18 cũng cho biết nhà thơ Nguyễn Thông có đến thăm chùa và làm bài thơ “Phật Quang tự di ngụ tạp vịnh” (Dời đến trọ tại chùa Phật Quang), trong đó có câu thơ ca ngợi “Thị trần bất đáo, hải phân trầm” (bụi bặm thành thị không lan tới, khí mù mặt biển cũng chìm đi) và trước cảnh đẹp của chùa nhà thơ đã viết “Nhàn hoa táp địa, thảo trù anh/Tiểu viện núng hương, chằm đạm thanh” (Hoa chen khắp đất, cây nẩy sắc tươi xanh/Tiểu viện sực nức hương thơm, chiếu đệm sạch tinh khiết). Tên bài thơ và các câu thơ trên được truyền từ lớp người trước cho lớp người sau (như đến thời chúng tôi biết được), có lẽ đây là những bài thơ ngâm vịnh rồi truyền lại, không thấy trong “Ngọa du sào thi tập”...

Kỳ 2: Đến chuyện nay đô thị mới…

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dạ thưa cô!
(Kỷ niệm một thời thơ ấu cắp sách đến ngôi trường nằm sát mé biển thuộc ấp Cây Găng, xã Văn Mỹ, quận Hàm Tân (nay xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Hưng - Hưng Long: Qua trang lịch sử… Kỳ 1