Theo dõi trên

Agribank Bình Thuận: Đáp ứng kịp thời vốn vay cho nông dân

25/10/2021, 07:38

BT- Tín dụng với lãi suất ưu đãi từ Nghị định 55 của Chính phủ góp phần đưa ngành nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, tăng thu ngân sách và ngoại tệ cho địa phương để tái đầu tư phát triển…

Khách hàng giao dịch tại Agribank Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

Anh Nguyễn Văn Tài vừa vay hơn 2 tỷ đồng ở chi nhánh Agribank Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) để cải tạo vườn thanh long và trồng mới một số cây ăn trái để xuất khẩu. Anh tâm sự: Vay vốn hiện nay khá dễ, chỉ cần có phương án khả thi là ngân hàng “ok”, gia đình tôi nhiều năm nay vay Agribank đầu tư làm trang trại thanh long có hiệu quả kinh tế nên trả vốn và lãi đầy đủ, được Agribank tin tưởng nên giờ lên kế hoạch tái chuyển đổi một phần diện tích để trồng các loại cây ăn trái khác và đã được Agribank Hàm Mỹ duyệt cho vay nhanh chóng. Còn anh Nguyễn Văn Bình ở Đức Linh vừa vay thêm Agribank Đức Linh 5 tỷ đồng để đầu tư trang trại cao su gần 30 ha, anh kể: Mủ cao su đang được giá, gia đình mình có gần 15 ha cao su đang cạo, mấy tháng qua mủ được giá nên tích lũy được số vốn kha khá, giờ vay thêm để mở rộng trang trại… Không chỉ anh Tài, anh Bình mà trên địa bàn tỉnh đang có hàng ngàn nông dân vay vốn từ Agribank để  phát triển kinh tế nông nghiệp. Bình Thuận có rất nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về tín dụng nông nghiệp, nông thôn được Agribank xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thế phân công, hợp tác tốt hơn giữa các địa phương.

Ông Đinh Xuân Sơn – Giám đốc Agribank Bình Thuận cho biết: Đến 31/9/2021, trong tổng dư nợ cho vay 23.000 tỷ đồng của Agribank thì có 21.000 tỷ đồng (chiếm 90% tổng dư nợ) đầu tư cho ngành nông nghiệp, nông thôn. Đồng vốn đầu tư đã thật sự góp phần đáng kể vào việc phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà như trồng cây cao su, thanh long, đánh bắt, thu mua, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản. Tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn. Do đặc điểm trình độ lao động trong ngành nông nghiệp, nông thôn là tương đối thấp, ngoài một số lao động thoát nông kiếm việc làm ở các ngành nghề khác thì số lao động còn lại chủ yếu là sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là đối với các lao động trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng. Vì vậy, nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên nhiều hộ gia đình đã ổn định được sản xuất và còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân Bình Thuận… 

Tín dụng lãi suất ưu đãi từ Nghị định 55 góp phần đưa ngành nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và nằm trong thế 3 “trụ cột” cần tăng tốc phát triển của tỉnh. Ngoài đầu tư làm trang trại cây cao su, thanh long, vườn cây ăn trái có giá trị xuất khẩu như mãng cầu, mít, xoài, sầu riêng… người dân còn vay vốn thu mua, đầu tư chế biến để xuất khẩu hàng nông sản. Điều này đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, góp một phần tăng thu ngân sách và ngoại tệ cho địa phương để tái đầu tư phát triển. Ngoài ra đã góp phần hỗ trợ cho dân cư có thu nhập thấp vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giảm nghèo tại các vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Chính phủ, nhiều hộ là lao động trong ngành nông nghiệp được vay tín chấp tối đa đến 200 triệu đồng để sản xuất. Đây là một nguồn vốn thật sự hữu ích giúp cá nhân, hộ gia đình. Nhờ chính sách này mà nhiều hộ lao động đã thoát được cảnh nghèo, từng bước đi lên làm giàu chính đáng.

Mặt khác chính sách vay vốn cũng mang lại hiệu quả thiết thực về mặt xã hội, ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang ngành nghề thâm canh, tăng vụ, tạo ra nhiều việc làm cho nông, ngư dân, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp. Xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo và khuyến khích làm giàu chính đáng còn thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa, nhất là tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh cho vay thông dụng khách hàng vùng đồng bằng, Agribank còn chú trọng đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư đối với vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số…

Đại Lực



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nói chuyện chuyên đề về nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
BTO-Chiều 25/11, tại Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận phối hợp với Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ và Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Truyền thống quê hương, gia đình nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Agribank Bình Thuận: Đáp ứng kịp thời vốn vay cho nông dân