Theo dõi trên

Agribank Bình Thuận đồng hành cùng khách hàng thực hiện mục tiêu “kép”

18/08/2021, 09:26

BT- Agribank Bình Thuận đã và đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hộ nông dân… vay vốn giảm lãi suất do đại dịch Covid-19 theo chính  sách của Chính phủ. Bên cạnh cho vay, công tác miễn giảm các loại phí dịch vụ cũng được Agribank thực hiện ưu đãi cho khách hàng. Để hiểu thêm vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Xuân Sơn – Giám đốc Agribank Bình Thuận…

Cho vay sản xuất thanh long công nghệ cao. Ảnh: N.Lân

Thưa ông được biết Agribank Bình Thuận đã và đang hỗ trợ khách hàng có dư nợ bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19. Ông có thể nói rõ chương trình hành động mà Agribank Bình Thuận đã triển khai?

Ông Đinh Xuân Sơn: Đại dịch Covid-19 đã diễn ra ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01 và 03 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Agribank chi nhánh Bình Thuận đã chủ động và tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng đồng loạt, mạnh mẽ như: Cơ cấu nợ (783 tỷ đồng/126 khách hàng), dư nợ miễn giảm lãi (73 tỷ đồng/48 khách hàng). Cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ 4% - 5% (4.410 tỷ đồng/108 khách hàng), tổng dư nợ cơ cấu 1.683 tỷ đồng. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã được Agribank chi nhánh hỗ trợ bằng tất cả các giải pháp là 4.406 tỷ đồng/22.955 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi nhánh thực hiện giảm lãi suất đồng loạt cho tất cả các khách hàng đang còn dư nợ từ thời điểm 15/7/2021 đến 31/12/2021 với mức giảm lãi suất 10% so với mức lãi suất đang cho vay hiện hành. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay mới với 100% khách hàng có quan hệ tín dụng với Agribank chi nhánh Bình Thuận. Đến 31/7/2021 toàn tỉnh giảm lãi suất cho dư nợ 20.135 tỷ đồng/86.070 khách hàng được giảm, số tiền lãi được giảm 14,2 tỷ đồng, ước tính đến 31/12/2021 số lãi được giảm sẽ là 80 tỷ đồng.

Với những chính sách này, Agribank chi nhánh Bình Thuận đang đối diện với khó khăn về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 do chi phí trích lập dự phòng rủi ro  cho những khoản nợ hiện đang cơ cấu Covid-19 theo Thông tư 03, việc giảm lãi suất đồng loạt cho 100% dư nợ hiện hành, Agribank chi nhánh Bình Thuận đang đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn rất nhiều với lãi suất cho vay khá thấp. Tuy nhiên, đây là những chính sách mà Agribank chi nhánh Bình Thuận thể hiện sự chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, đồng hành cùng xã hội vượt qua đại dịch để cùng phát triển bền vững, mang đến sự phồn thịnh cho cộng đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ cho vay, công tác miễn giảm các chi phí dịch vụ để giúp khách hàng được thực hiện như thế nào?

Ông Đinh Xuân Sơn:  Nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, khuyến khích và hỗ trợ khách hàng giao dịch online, đồng thời thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 17/5/2021 Agribank triển khai chính sách miễn 100% phí dịch vụ thanh toán trong nước cho tất cả khách hàng của Agribank khi thực hiện chuyển tiền trong hệ thống trên các kênh ngân hàng điện tử như: Internet Banking, Mobile Banking và Agribank – eBanking; miễn phí cho khách hàng cá nhân và giảm phí cho khách hàng tổ chức khi chuyển tiền khác hệ thống trên các kênh ngân hàng điện tử.  Đồng thời thực hiện điều chỉnh hạn mức giao dịch trên kênh E-Mobile Banking và Internet Banking nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi giao dịch chuyển tiền thanh toán online hàng hóa và dịch vụ. Hạn mức chuyển khoản trên kênh E-Mobile Banking và Internet Banking lên đến 5 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, để tăng độ bảo mật, giảm rủi ro cho khách hàng khi sử dụng thẻ Agribank, Agribank miễn 100% phí chuyển đổi thẻ cho khách hàng khi thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Bình Thuận có rất nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, bên cạnh công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, việc thực hiện Nghị định 55 về tín dụng nông nghiệp, nông thôn có khả quan không, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Sơn: Việc thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh rất khả quan, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thế phân công, hợp tác tốt hơn giữa các địa phương. Đến 31/7/2021, trong tổng dư nợ cho vay 22.955 tỷ đồng thì có 20.683 tỷ đồng (chiếm 90% tổng dư nợ) đầu tư cho ngành nông nghiệp, nông thôn. Đồng vốn đầu tư đã thật sự góp phần đáng kể vào việc phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà như trồng cây cao su, thanh long, đánh bắt, thu mua, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản. Tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn. Do đặc điểm trình độ lao động trong ngành nông nghiệp, nông thôn tương đối thấp, ngoài một số lao động thoát nông kiếm việc làm ở các ngành nghề khác thì số lao động còn lại chủ yếu là sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt đối với các lao động trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng. Vì vậy, nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên nhiều hộ gia đình đã ổn định được sản xuất và còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân Bình Thuận. 

 Tín dụng ngân hàng góp phần đưa ngành nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong việc tăng thu ngân sách và ngoại tệ cho địa phương. Trong tổng vốn đầu tư 13.903 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp thì nguồn vốn đầu tư khá lớn cho cây cao su, thanh long, thu mua, chế biến, trong đó chủ yếu là để xuất khẩu. Điều này đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, góp một phần tăng thu ngân sách và ngoại tệ cho địa phương để tái đầu tư phát triển. Tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần hỗ trợ cho dân cư có thu nhập thấp vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giảm nghèo tại các vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Chính phủ. Nhiều hộ là lao động trong ngành nông nghiệp được vay tín chấp tối đa đến 200 triệu đồng để sản xuất. Đây là một nguồn vốn thật sự hữu ích giúp cá nhân, hộ gia đình. Nhờ chính sách này mà nhiều hộ lao động đã thoát được cảnh nghèo, từng bước đi lên làm giàu chính đáng.

Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank Bình Thuận luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Thời gian qua, đã ủng hộ Quỹ phòng chống Covid tỉnh Bình Thuận 150 triệu đồng thông qua Ủy MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc ủng hộ mua chăn màn cho công nhân của doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” 50 triệu đồng…

TrẨn Thi (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Agribank Bình Thuận đồng hành cùng khách hàng thực hiện mục tiêu “kép”