Tiền nhân của chúng ta xây dựng làng xã thường chọn nơi có nước, vì có nước là có tất cả, gần con sông, con suối để công việc làm ăn sẽ dễ dàng hơn, vì đời sống bấy giờ là trồng trọt, vườn ruộng. Và cái ao cũng xuất phát từ… nước, chọn mạch nước ngầm để đào một cái ao dùng riêng cho gia đình, hoặc thiên nhiên ban tặng cho cái ao, mà ngày ấy đất rộng người thưa, tha hồ lựa chọn một nơi an cư lạc nghiệp.
Nước có quanh năm, đến mùa mưa nước trong ao tràn ra ngoài đồng, nhưng mùa nắng khô hạn, ao làng vẫn giữ mực nước không đầy không vơi, hình như thiên nhiên đã ban tặng cho làng quê cái ao mà ở đó tình cảm chất chứa đong đầy, trong veo như mặt nước ao. Bắc một cây cầu tre hoặc tấm ván sát mặt nước để tiện ra ao rửa chân tay, cũng có thể tắm giặt và rảnh rỗi thì câu cá. Những đêm trời thanh gió mát, nghe tiếng cá quẫy đuôi, đớp mồi, tung nước, cho ta một cảm giác thanh bình đến kỳ lạ.
Những ngày nghỉ học trường làng, tôi quanh quẩn bên ao để bắt con chuồn chuồn, bắt bướm, câu cá. Mà thật cũng kỳ lạ, chỉ nơi ao hồ mới có bướm và chuồn chuồn, chắc nó chọn một nơi mát mẻ và bình yên để tình tứ chăng? Còn những cỏ dại cây lá quanh ao đều tươi tốt có lẽ nó cũng hấp thu được một thứ nước trong lành? Quanh quẩn bên ao, mẹ tôi dặn: Coi chừng té xuống ao nghe con!
Không biết từ thuở nào, ao làng bị hàm oan, khi người ta chê bai ai đó: “Quanh quẩn ao làng”. Thật ra nếu có một đời người chỉ quẩn quanh ao làng mà nuôi con cái nên người, làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội, sống một cuộc đời thanh bạch, không bất nhân, bất nghĩa… thì quanh quẩn ở ao làng cũng là một triết lý đáng sống lắm chứ?
Mặt nước ao làng vào những buổi sớm tinh sương, có những bông hoa dại rụng xuống ao điểm tô mặt nước như chiếc khăn thêu bông trải xuống mặt ao, và trong cái mông lung ấy hình như nghe có tiếng khẽ động của sương tan trên mặt nước, và khi có tiếng chân người đến gần, con chim bói cá vụt bay lên như một mũi tên mất dạng, con ếch giựt mình nhảy tỏm xuống ao mất tăm, chỉ có con cua đồng bò chậm chạp và hai con mắt giương lên ngờ - nghệch một cách đáng thương! Hình ảnh ấy không thể thiếu của ao làng, và ao làng thật ra không có gì đáng giá, nhưng lại đáng nhớ trước tiên khi vì một lý do nào đó người ta bỏ quê nhà ra đi không hẹn ngày trở lại.
Ngày nay ao làng đúng nghĩa đã mất dần, hình ảnh ao làng được vẽ lại bằng âm nhạc qua ca khúc “Bên bờ ao nhà mình” (Một ca khúc khá lạ của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, qua giọng ca cũng rất lạ Ngọc Khuê, một mình một cõi), thật rõ nét không thêu dệt vẽ vời, không hư cấu, dựng lại một ao làng nguyên bản độc đáo, đánh động tiềm thức trong mỗi chúng ta, những người lớn tuổi đã từng gắn bó với ao làng, để nhớ lại kỷ niệm của một thời “đồng chua nước mặn”.
Trong cái hồn nhiên vô tư rất thanh xuân của thời dĩ vãng ấy, có một hình ảnh làm chúng ta chạnh lòng, khi nghe ca khúc “Bên bờ ao nhà mình”: “… Mỗi năm một lần/ Vai áo bùn nâu mẹ phai rất nhanh…”.
Có biết bao người mẹ tần tảo bới tìm bên bờ tre, gốc rạ, ao làng, bụi chuối… từ sáng sớm cho đến chiều tối để nuôi một bày con dại thiếu ăn thiếu mặc!
Một bài hát ngắn, tác giả lập lại nhiều lần “Bên bờ ao nhà mình” để nhấn mạnh rằng không đâu khác: “… Bên bờ ao nhà mình/ Con chuồn chuồn vẫn đậu cành bèo tây/ Bên bờ ao nhà mình lập lòe đom đóm bay/ Mỗi năm một lần thay áo màu xanh tìm con chuồn chuồn/ Bên bờ ao nhà mình/ Lời nói yêu thương lời rằng vấn vương, vương vấn/… Trái cam màu vàng em đã trồng bên bờ ao/ Giẫm chân cỏ dại hai đứa cùng nhau vui chơi ú tim…”.
Tôi nghe “Bên bờ ao nhà mình”, là nghe một thời xa vắng, nghe để thấy một khung cảnh êm đềm của một thời đã xa, nhưng gần gũi, mà cứ tưởng là cổ tích. Có biết bao người mẹ từ tuổi thanh xuân cho đến xuân tàn, chỉ quanh quẩn bên cái ao làng, nhưng đã làm nên cuộc đời.