Theo dõi trên

Bắc Bình “bùng nổ” nuôi chim yến tự phát: Khó khăn trong quản lý

23/11/2017, 08:36

BT- Theo thống kê của huyện Bắc Bình, trong năm 2016, trên địa bàn có 32 nhà yến, thì đến tháng 11/2017, số nhà yến đã lên đến 71 nhà và dự kiến từ nay đến cuối năm còn tiếp tục tăng. Điều đáng nói, hầu hết các nhà yến đều “mọc” tự phát, trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch phát triển. Nhiều hộ dân nuôi chim yến trong khu dân cư gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường nhưng địa phương không có cơ sở để quản lý, vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể…

                
Nhà nuôi yến phát triển “chóng mặt” tại Bắc    Bình.

Phát triển vì lợi nhuận cao

Thị trấn Chợ Lầu hiện là địa bàn có số lượng nhà yến nhiều nhất huyện Bắc Bình với 27 nhà (khoảng 10 nhà ngoài khu dân cư, còn lại nằm trong khu dân cư). Trong số đó, hộ ông Nguyễn Ngọc Trân (KP Xuân An, thị trấn Chợ Lầu) là một trong số người dân nuôi yến thành công, với 2 nhà yến, cùng số lượng yến ước chừng 10 ngàn con/nhà. Ông Trân cho biết, gia đình bắt đầu nuôi yến từ năm 2011. Nhà yến được đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng/cái, chiều cao từ 11m trở lên. Sau 4 năm, đến nay nhà yến của ông cho thu hoạch khoảng 7-10 kg yến/tháng. Với giá bán bình quân 20 triệu đồng/kg tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, rõ ràng lợi nhuận thu được từ nuôi yến không hề nhỏ. Theo ông Trân, sở dĩ chim yến có nhiều trên địa bàn huyện Bắc Bình nói chung và thị trấn Chợ Lầu nói riêng do có nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu thích hợp. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc có định hướng đầu tư mở rộng sắp tới, ông Trân tỏ ra e dè, cho rằng sẽ không dám mạo hiểm do lo sợ bùng nổ phong trào nuôi yến dẫn đến thất bại, trong khi nguồn chim yến hạn chế, chia đàn khiến mức độ thành công thấp. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn vẫn đang từng ngày mọc lên những ngôi nhà yến mới (có nhiều người thuộc tỉnh khác). Thậm chí không ít hộ đã mua đất, chuẩn bị đầu tư với hy vọng thắng lớn, trước sức hút giá trị của yến.

 Lúng túng trong quản lý

Bên cạnh những lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi yến, vẫn còn nhiều mặt trái, nhất là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn và vệ sinh môi trường. Vấn đề này đã được phản ánh nhiều, nhưng chưa có biện pháp xử lý. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã phản ánh bức xúc lên chính quyền địa phương. Riêng hộ ông Trân, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của việc nuôi yến, ông đã chủ động dọn vệ sinh 1 tuần/lần; mở âm thanh rất nhỏ và tắt loa vào buổi  trưa và tối…

Ông Nguyễn Dân Nam - cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Bình cho biết, khó khăn hiện nay trong quản lý nhà yến là hầu hết người dân đều xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng lại chuyển đổi xây thành nhà yến. Quá trình xử lý, phá bỏ, cưỡng chế rất khó khăn khi “sự đã rồi”. Ông Nam cho biết, hiện địa phương đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan về quy hoạch nuôi yến và cấp trên sớm có thông tin hướng dẫn cụ thể trong quá trình quản lý. Các hộ nuôi như ông Trân cũng rất mong Nhà nước hỗ trợ về thủ tục hướng dẫn cho dân cách làm theo định hướng.

Về cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quyết định bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Theo đó đã bãi bỏ điều 3, điều 4 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPT ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về nuôi chim yến. Đây là hai điều quan trọng quy định về khai báo của chủ cơ sở nuôi chim yến, vị trí xây dựng nuôi chim yến (điều 3) và sử dụng âm thanh nuôi chim yến (điều 4) để cơ quan nhà nước kiểm tra, quản lý. Các địa phương rất lúng túng trong việc xử lý các nhà nuôi chim yến trong khu dân cư..

Hiện nay Cục Chăn nuôi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT 2 phương án. Cụ thể, bổ sung một số điều kiện đối với cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến vào Nghị định 66/2016NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng, vật nuôi; nuôi động vật thông thường, chăn nuôi, thủy sản; thực phẩm. Trong đó, quy định cụ thể về thời gian sử dụng âm thanh dẫn dụ, quy định khoảng cách nuôi chim yến, điều kiện xây dựng nhà nuôi chim yến hoặc tham mưu Chính phủ xây dựng nghị định mới quy định về gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có chim yến mà tập trung là xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi chim yến và các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến. Do vậy, phải chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để triển khai. 

    
     “Để tăng   cường quản lý chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND các địa   phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tăng cường kiểm tra về vệ   sinh thú y và phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động nuôi chim yến và   trách nhiệm người nuôi; đồng thời quản lý thiết bị phát âm thanh dẫn dụ   đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A…” - ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục   trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình “bùng nổ” nuôi chim yến tự phát: Khó khăn trong quản lý