Theo dõi trên

Bắc Bình: Bước tiến phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09/08/2024, 05:00

Bắc Bình là huyện đa dạng văn hóa với 23 dân tộc cùng chung sống đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường của người dân.

Tập trung cho trồng trọt, chăn nuôi

Toàn huyện có dân số 133.144 người, trong đó 36,54% là đồng bào DTTS với 34.007 người sống chủ yếu tại 4 xã miền núi, 5 xã đồng bằng và các thôn xen ghép. Theo UBND huyện Bắc Bình, từ năm 2019 đến 2024, Huyện ủy và UBND huyện đã tích cực chỉ đạo hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, tập trung vào việc đầu tư giao thông, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, nhằm khai thác tiềm năng từng vùng và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tình hình đời sống và kinh tế của vùng đồng bào DTTS đã có những thay đổi rõ rệt. Hộ đói không còn, hộ nghèo giảm và mức sống ngày càng nâng cao. Nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững...

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái

Việc phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS huyện tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Nhờ phát huy tốt các công trình thủy lợi như hồ chứa nước Sông Lũy, hồ chứa nước Cà Giây, hệ thống kênh tiếp nước từ thủy điện Đại Ninh… tình hình sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS của huyện ngày càng được mở rộng và ổn định. Năng suất cây trồng tăng nhờ áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh. Sản phẩm trồng trọt không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm trong huyện mà còn xuất khẩu, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Diện tích sản xuất lúa tiếp tục mở rộng với các khu vực chuyên canh như Đồng Mới hơn 1.000 ha (gồm các xã Phan Thanh, Phan Hiệp) và Chà Vầu - Nha Mưng - Tà Bo hơn 2.000 ha (gồm các xã Hải Ninh, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Rí Thành)...

Chăn nuôi bò

Diện tích cây ăn quả vùng đồng bào DTTS phát triển hơn 3.911 ha, với nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài, bưởi, cam, quýt. Đặc biệt, vùng cây thanh long ở xã Bình An và vùng tập trung chuyên canh cây ăn quả hơn 2.300 ha ở các xã Sông Bình, Sông Lũy, Bình An, Hải Ninh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, đồng bào các DTTS đã tích cực đầu tư vào chuồng trại, thức ăn chăn nuôi và phòng bệnh mùa vụ. Quy mô chăn nuôi lớn đang hình thành và phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhân giống cây trồng, thủy sản và phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi đã được khảo nghiệm, chọn lọc và áp dụng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu từng vùng. Chương trình khuyến nông, khuyến lâm trong vùng DTTS tiếp tục được chú trọng, với hơn 19 mô hình trồng trọt và chăn nuôi được triển khai trong 5 năm qua như: Các mô hình trình diễn giống lúa mới ST24 chất lượng cao tại xã Bình An, giống lúa nếp liên kết chuỗi tại xã Phan Hòa, trồng ớt chỉ thiên phủ nilon tại xã Sông Bình, trồng mít Thái theo hướng GAP tại xã Phan Hòa... Các mô hình trình diễn chăn nuôi như: nuôi lươn thương phẩm tại xã Sông Bình; nuôi gà lai nòi an toàn sinh học tại các xã Phan Tiến và Phan Sơn, Phan Điền; nuôi heo cỏ theo hướng an toàn dịch bệnh tại xã Phan Lâm…

Hàng năm, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức nhiều mô hình sản xuất trình diễn và hơn 39 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân vùng đồng bào DTTS. Việc tiếp nhận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất được người dân nhiệt tình hưởng ứng, giúp tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, góp phần giải quyết vấn đề về thời gian, giảm chi phí và nâng cao năng suất cây trồng. Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở huyện Bắc Bình không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn tạo ra một diện mạo mới cho các vùng đồng bào, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện.

 

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Bắc Bình
BTO-Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), chiều 22/7, đồng chí Nguyễn Hữu Thông – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Lừa (SN 1925) ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Cùng đi có đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội, lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình và thị trấn Chợ Lầu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình: Bước tiến phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số