Theo dõi trên

Bài dự thi Giải cờ đỏ 2023: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững” Bài 4: Phải đan cài “nhanh” trong “xanh, bền vững”

29/09/2023, 14:47

Thường nhanh và bền vững ít đi đôi với nhau. Bởi nếu siết bền vững thì không nhanh. Nhưng nếu phát triển nhanh, theo hướng bất chấp môi trường bị tàn phá, lấy hết, phí hoài tài nguyên thì tính bền vững có vấn đề. Vì vậy, "nhanh" ở đây phải đảm bảo trong bối cảnh "xanh, bền vững"

Chìa khóa của "nhanh"

Để khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan, theo Sở Nội vụ cần nhiều giải pháp mang tính hệ thống và triển khai tổng thể đồng bộ từ trung ương đến địa phương, như các vấn đề về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định cơ chế phối hợp, trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm,…Ở góc độ địa phương, sở nêu cần thực hiện 6 giải pháp. Trong đó có đến 5 giải pháp tập trung vào công tác ổn định tư tưởng; cơ cấu lại đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng; khuyến khích, động viên, khen thưởng đồng thời với phê bình, xử lý nghiêm. Giải pháp còn lại, đó là “cần tập trung cho giải pháp chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động công vụ, xây dựng, số hóa, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu thông tin các lĩnh vực quản lý nhà nước", tức đẩy mạnh chính quyền số.

untitled-3.jpg
Cổng thông tin chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận

Theo nhận định của những người quan tâm đến sự phát triển của tỉnh, với tình hình hiện tại của Bình Thuận, chuyển đổi số song song với ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là chìa khóa của yếu tố "nhanh". Việc chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tỉnh thời gian qua có cố gắng nhưng chưa nhanh. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có triển khai nhưng chưa nổi bật. Phải nhanh trong các hoạt động này thì mới mong định hình được 1 cực tăng trưởng xanh mang tên Bình Thuận.

lan_1791.jpg
Hội nghị thông tin chuyên đề về chuyển đổi số

Đầu nhiệm kỳ, những kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa đã ban hành và triển khai. Tuy nhiên, vì kinh phí hỗ trợ không nhiều nên hiệu quả mang lại chưa nổi bật. Tương tự như hoạt động chuyển đổi số cũng thế, có kết quả nhưng rải rác và xa lạ. Đến tháng 3/2022, Tỉnh ủy (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 10 về chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nhiệm vụ, giải pháp phải làm đã củng cố và mở rộng hơn những kết quả ban đầu trong chuyển đổi số tại tỉnh trước đó. Mà nổi lên là kinh tế số, xuất phát từ sự hạn chế giao tiếp, đi lại của dịch bệnh Covid – 19 vừa qua, của sự tắc nghẽn trong tiêu thụ sản phẩm mà việc thực hiện Chỉ thị 01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại tỉnh tốt hơn. Thực tế, khi tham gia các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, hộ dân bán được hàng với số lượng ngoài sức tưởng tượng.

lan_2830.jpg
Sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận được giới thiệu và trưng bày ở các sự kiện và hội chợ 
lan_2670.jpg
Nhiều hợp tác xã có Webb side giới thiệu và bán sản phẩm

Bên cạnh cũng đã hình thành Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận, nhờ vậy, các doanh nghiệp du lịch tự giới thiệu đơn vị cùng các sản phẩm du lịch lẫn những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giúp người dân và du khách có thể tiếp cận, tìm kiếm dễ dàng. Đồng thời các cơ sở cũng ứng dụng công nghệ số du lịch vào hoạt động, như: Hệ thống quản lý lưu trú liên thông; hệ thống Booth du lịch; tự động hóa quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa các điểm đến, kết hợp với các dịch vụ tư vấn du lịch thông minh hướng người dùng; dự báo xu hướng và cá nhân hóa loại hình du lịch trên cơ sở phân tích các thông tin liên quan trên các mạng xã hội, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thông minh. Ngoài ra, thanh toán điện tử, các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động, ngân hàng số …cũng đã nhộn nhịp.

untitled-1.jpg
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp địa phương được bán trên các sàn thương mại điện tử

Trong khi đó, chính quyền số cũng nổi bật không kém. Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay ở tỉnh đã xây dựng, phát triển và đưa vào sử dụng một số nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả. Không chỉ ở tỉnh, ngay ở cơ sở, đã có 10/10 UBND cấp huyện,124/124 UBND cấp xã, hệ thống đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối các hệ thống thông tin của bộ, ngành trung ương…Còn với xã hội số, UBND tỉnh đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Chương trình chuyển đổi số tại huyện đảo Phú Quý. Hiện đã có những kết quả ban đầu như 100% thôn, khu phố và 6 tổ tự quản có Tổ Công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên 2.447 người; đã cấp hơn 700.000 tài khoản định danh điện tử; số hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo đạt 92% tổng dân số…

lan_2679.jpg
Truy cập thông tin trên các sàn thương mại điện tử

Buổi đầu ngổn ngang

Sở Thông tin và truyền thông cho biết thêm, vì đang ở buổi đầu nên chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hạn chế. Đó là nền tảng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo kênh tương tác giữa chính quyền với người dân phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để kết nối tích hợp và khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu các cơ quan hành chính còn chậm. Bên cạnh, các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực; các sàn thương mại điện tử triển khai chưa nhiều, các sản phẩm cung cấp trên sàn còn ít. Và quan trọng hơn hết, nguồn nhân lực có chuyên môn để tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số chưa đáp ứng theo yêu cầu triển khai nhiệm vụ. Trong khi đó, cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa thật sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số.

untitled-2.jpg
Sản phẩm nông nghiệp địa phương được bán trên các sàn thương mại điện tử
quyt-duong-duoc-trong-o-phan-lam-bac-binh-anh-n.-lan-2-.jpg
Sản phẩm Ocop của Bắc Bình

Để khắc phục hạn chế trên, theo sở phải bám sát Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch, quyết định liên quan đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số (hầu hết đều mới ban hành), để triển khai đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Với chính quyền số thì phải tập trung khắc phục sớm hạn chế trên. Riêng kinh tế số, xã hội số cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh thông qua triển khai Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của UBND tỉnh về việc kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023; Kế hoạch số 4181/KH-UBND ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm của tỉnh cho thấy phát triển kinh tế số với trọng tâm là doanh nghiệp, ưu tiên sử dụng các nền tảng số dùng chung của ngành, lĩnh vực phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong khi đó, phát triển xã hội số nâng cao chất lượng sống của người dân đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và của người Bình Thuận nói riêng.

Có một sự hỗ trợ phối hợp ở đây liên quan đến nâng cao đời sống người dân, khi cũng trong thời gian cuối năm 2022, Tỉnh ủy (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 12 về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong kế hoạch triển khai nghị quyết này của UBND tỉnh mới ban hành trong tháng 7/2023 có mục tiêu: Người dân Bình Thuận ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc, có điều kiện thuận lợi đ̣ể phát triển kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, đươc thụ hưởng công bằng phúc lợi xã ̣ hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công…

dsc_0557.jpg
Ứng dụng số hóa trong lĩnh vực ngân hàng

Sự kết nối có chủ đích

Với các quyết định, kế hoạch đang triển khai trên, có cơ sở để hy vọng trong vài năm tới, khi chuyển đổi số được ứng dụng trong từng lĩnh vực, từng hoạt động, mà trước mắt ở 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là sẽ lan tỏa lớn, tạo ra sức bật bất ngờ. Vì trong nông nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp sản phẩm của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời làm gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm như Nghị quyết 05 đặt ra. Còn trong lĩnh vực du lịch cũng thế, chuyển đổi số là "chìa khóa" để du lịch kết nối với các hệ sinh thái liên quan, như vận tải, lưu trú, thương mại... mở ra không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn như mục đích đặt ra của Nghị quyết 06. Riêng trong công nghiệp mà cụ thể là từ doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp lên một tầm cao mới, khi có thể bội thụ về mọi mặt như tăng tốc độ ra thị trường, tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất của nhân viên, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Đó cũng là đích đến của Nghị quyết 09.

san-pham-nong-nghiep-anh-n.-lan-2-.jpg
Sản phẩm nông nghiệp ở huyện Bắc Bình
lan_3075.jpg
Sản phẩm nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam
20230929_120437.jpg
Quét mã QR để tìm kiếm điểm đến du lịch Bình Thuận
bo-phan-toa-soan-dien-tu-anh-nl-.jpg
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

Từ nền tảng có được này, Bình Thuận đã tạo ra một không gian ít nhiều hiển hiện thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên cũng đương nhiên thu hút đầu tư nhiều hơn, có cơ hội lựa chọn “ đại bàng về làm tổ” như kế hoạch đặt ra trong Nghị quyết 08. Với tiềm năng lẫn triển vọng của vùng đất Bình Thuận, không phải là xa xôi nữa, khi Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Bình Thuận dịp 30 năm tái lập tỉnh cũng đã đồng ý và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Bình Thuận thực hiện các thủ tục để trình duyệt đề án về việc thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển.

Lúc này đây, người dân Bình Thuận có thể phát triển kinh tế, tìm được việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập, có cơ hội làm phong phú đời sống tinh thần…Yếu tố bền vững đã ở đây. Cũng vào lúc này, “nhanh” đã được đan cài trong “xanh, bền”.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững”. Bài 1
Khi xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025, Đảng bộ Bình Thuận chưa tiên liệu được dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, chiến tranh Nga – Ucraina xuất hiện.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải cờ đỏ 2023: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững” Bài 4: Phải đan cài “nhanh” trong “xanh, bền vững”