Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa: Hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Bài 2

16/08/2023, 05:12

Bài 2: Ý thức bảo vệ nguồn nước - chuyện cần bàn

Nội dung Chương trình hành động số 46 – Ctr/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy hiện nay công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao.

Lo… an ninh nguồn nước

Tỉnh ủy Bình Thuận đánh giá, thời gian qua việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Với một tỉnh khô hạn như Bình Thuận, những năm qua việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa được triển khai kịp thời. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngành nước từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được chú trọng thực hiện.

z4603530236631_35feb15389c28a8d22842565b235d09a.jpg
Hồ thủy lợi tại Hàm Thuận Bắc  cạn nước vào thời điểm hạn hán.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải của một số cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư, khai thác giếng khoan quá mức, làm xâm nhập mặn, suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước còn xảy ra ở nhiều nơi.

Có thể nhắc đến, vào thời điểm tháng 5/2020, hạn hán xảy ra gay gắt tại Bình Thuận. Vùng đất Hàm Thuận Bắc vốn dĩ từ xa xưa đã có nhiều sông suối, ao hồ. Nhưng do nắng hạn, khi ấy chỉ còn 3 hồ lớn là Sông Quao, Cà Giang và Cẩm Hang còn nước, buộc các ngành, địa phương phải quyết tâm bảo vệ nguồn nước ít ỏi còn lại, ưu tiên lớn nhất cho sinh hoạt của người dân.

z4601262699232_ba679d587c6b85af7db0ab4c2d97e740.jpg
Lập "chốt" canh nước ngay kênh thủy lợi vào thời điểm hạn hán.
z4601263645893_33810be11764ffd2b9d5ac75f8a227b2.jpg
Do hạn hán, nước khan hiếm nên nhân viên buộc ngăn chặn không cho người dân "trộm" nước để ưu tiên phục vụ sinh hoạt.

Còn nhớ vào cao điểm đó, tại kênh chính Sông Quao, nơi chuyển nước về đập Cẩm Hang - Cà Giang, những công nhân túc trực tại cống lấy nước N23, thuộc địa phận xã Hàm Chính hết sức vất vả. Nắng nóng làm cho ai nấy mồ hôi nhễ nhại, ánh mắt nhăn nheo vì nắng, bụi. Họ là nhân viên của Trạm Quản lý nước Phan Thiết, đang túc trực 24/24 giờ trên tuyến kênh dài hơn 30 km, không để người dân tự ý trộm nước, đập phá công trình. Đồng thời thông báo về diễn biến hạn hán, thiếu nước để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, không sử dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới nông nghiệp...

data-news-2017-5-96576-nguon.jpg
Một số đoạn kênh hở dẫn nước từ hồ Cà Giang.

Ngoài việc không tuân thủ quy định sử dụng nước của đơn vị chuyên môn, thực tế những năm qua tình trạng người dân xả thải bừa bãi dọc tuyến kênh dẫn nước vẫn còn xảy ra. Đơn cử vào thời điểm tháng 5/2017, chúng tôi đã phản ánh tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi dọc tuyến kênh dẫn nước từ hồ Cà Giang về Nhà máy nước Phan Thiết. Tuyến kênh này dài 8 km, đi qua vùng sản xuất thanh long và khu dân cư, phần lớn có nắp đậy, một số vị trí hở để dân lấy nước tưới và sinh hoạt. Quan sát thấy có nhiều đoạn hở trên kênh, một số đoạn bị bể do người dân đập ra để lấy nước. Tại những điểm cống giao nhau, có rất nhiều rác thải sinh hoạt như túi ni lon, nhựa… Để giải quyết tình trạng này, Nhà máy nước Phan Thiết đã phải phối hợp với Cảnh sát môi trường làm việc, phát tờ rơi, kiểm tra việc vứt rác, đồng thời tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư…

z4603525423746_bf7b315c573412fc1c0af8efdf6a1fd6.jpg
Xả lũ tại hồ Lòng Sông.

Nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa bão

Đáng chú ý, hiện nay một số công trình thủy lợi xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, gây nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa nước trong quá trình sử dụng, nhất là trong mùa mưa, bão. Nguyên nhân của những hạn chế này, theo Thường trực Tỉnh ủy chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ, sử dụng nước chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất. Mặt khác, việc cụ thể hóa, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định của nhà nước về quản lý nguồn nước còn chậm; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội còn ít, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm...

z4603586312989_f65bf40b2388c6afec68580fd731efd4.jpg
Hồ Sông Dinh 3 (Hàm Tân)

Ông Hồ Đắc Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh cho biết, thời gian qua các cấp trong tỉnh đã tăng cường quản lý, vận hành khai thác công trình. Đặc biệt, các bộ ngành Trung ương đã bố trí vốn sửa chữa nâng cấp một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh bảo đảm công trình vận hành ổn định và an toàn. Đội ngũ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm quản lý hồ chứa theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi.

z4601264374731_4fae0bf021ea22a872267062879632cd.jpg
Vận hành tại cống dẫn nước thủy lợi.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, hiện nay phần lớn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư trước năm 1990, công ty tiếp nhận lại ở các địa phương không có hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ thu hồi đất. Do đó rất khó khăn cho việc quản lý công trình. Mặt khác, đặc thù công trình thủy lợi có vốn đầu tư lớn, nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên của thời tiết khí hậu. Phần lớn các công trình chủ yếu là đất đá chưa được kiên cố hóa nên đang dần bị xuống cấp. Mặt khác, thiết bị vận hành truyền thống bằng cơ khí thô sơ, chưa thay thế để ứng dụng công nghệ nên công tác quản lý vận hành công trình rất khó khăn…

z4603594354974_f6563b3150e6e7de2ad53d23a21c7a04.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải trong chuyến kiểm tra công trình hồ Sông Dinh 3 vào tháng 4/2023
z4603598491090_293a80bb9857ba746380796d6e9caf5c.jpg
Công trình kênh dẫn nước đang thi công tại Hàm Tân bị vướng mặt bằng.

Ngoài ra, hiện một số hồ chứa xuống cấp nhưng chưa có kế hoạch vốn sửa chữa nâng cấp, làm hạn chế khả năng tích nước của các hồ chứa. Cùng với đó, phần lớn các tổ thủy nông nội đồng của địa phương hoạt không hiệu quả, công tác nạo vét kênh mương nội đồng còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng nước chưa cao. Hầu hết các trục tiêu, tuyến xả lũ bị bồi lấp, xói lở, cây cối che phủ. Mặt khác còn bị người dân xâm lấn làm co hẹp dòng chảy ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Lãnh đạo công ty cũng cho rằng, mức hỗ trợ dịch vụ thủy lợi công ích đã hơn 10 năm chưa thay đổi, không bảo đảm kinh phí cho hoạt động của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi. Do đó, để bảo vệ nguồn nước, rất cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ của không chỉ riêng ai. Trước mắt, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi mong muốn các địa phương từng bước xử lý, di dời các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Song song, bố trí kinh phí nạo vét các tuyến tiêu thoát lũ, tuyên truyền vận động người dân tiết kiệm nước và nâng cao ý thức bảo vệ công trình…

Bài 1: Hồ chứa thủy lợi – lợi ích và nguy cơ

Bài 3: Phục vụ dân sinh trong mọi tình huống

CÔNG NAM - KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giàu lên từ hạ tầng thủy lợi, giao thông
Vùng đất một thời khô cằn, hoang hóa vì thiếu nước, đã được hồi sinh nhờ các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông đã vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của huyện, đem lại màu xanh tươi cho nhiều loại cây trồng. Cũng từ đây khắc phục được cảnh “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”.
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa: Hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Bài 2