Theo dõi trên

Các công trình thủy lợi: Hiện thực hóa khát vọng giải “cơn khát” cho đất và người Tuy Phong

29/05/2023, 05:27 - Lượt đọc: 4,134

Tuy Phong những ngày này nắng gắt, hanh hao khó tả. Đây được xem là nét đặc trưng của vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” vào mỗi độ hè về. Trải qua 40 năm tái lập, giờ đây huyện nhà đã và đang không ngừng vượt khó, vươn lên.

Có được kết quả ấy, không thể không nhắc đến việc đầu tư và đưa vào khai thác các công trình thủy lợi đóng chân trên địa bàn, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng khô hạn, khai thác có hiệu quả các vùng đất hoang hóa, nâng cao năng suất và thu nhập của người dân.

ho-thuy-loi-long-song-tuy-phong-anh-n.-lan-3-.jpg
Hồ Sông Lòng Sông (ảnh Ngọc Lân).

Nước thủy lợi phủ khắp, đa dạng cây trồng

Tháng 5! giữa mùa hè, cũng là mùa chín rộ của nhiều loại trái cây từ mọi miền. Thế nhưng cũng những sản phẩm ấy khi được trồng ở Tuy Phong thì hầu như ai thưởng thức cũng cảm nhận nét riêng, nhất là vùng đất Phong Phú, Phước Thể, nổi trội với các loại nho, táo, mít… Các lão nông ở địa phương phân tích, nếu trước đây khi chưa có nước thủy lợi phủ khắp như bây giờ, nắng to, gió mạnh ở Tuy Phong là bất lợi cho nông sản. Nhưng kể từ khi lần lượt có nước từ các hồ chứa thủy lợi được đầu tư, việc chuyển đổi đa dạng các loại cây trồng trên những mảnh đất khô cằn đã mang lại hiệu quả đáng mừng.

Trên các cánh đồng tại Tuy Phong, gần 2 tuần nữa, nông dân mới thu hoạch lúa vụ đông xuân muộn. Dù lúa trổ trúng cơn mưa đầu mùa, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền, thành viên HTX Long Điền 1, thị trấn Liên Hương vẫn tin tưởng năng suất lúa vụ này khoảng 6,5 - 7 tạ/sào. Chị Hiền cho biết, 5 sào lúa Đài Thơm của gia đình nằm ở cánh đồng Mương Chiếu, bình quân sản xuất 2 năm/5 vụ. Nhiều năm qua ruộng luôn chủ động nước tưới nên năng suất lúa cao vượt trội…

Theo UBND huyện Tuy Phong, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực sau ngày tái lập huyện. Tuy nhiên, lúc ấy với phương thức và trình độ sản xuất lạc hậu, ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Quan trọng khi ấy vẫn chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chất lượng và năng suất thấp. Hạn hán kéo dài còn khiến cho đất đai ở những vùng cao trở nên khô cằn, cây cối phát triển kém, dẫn đến đời sống người dân khó khăn. Chính vì vậy, sự ra đời của các công trình thủy lợi là sự cứu cánh, hiện thực hóa khát vọng giải “cơn khát” cho vùng đất và con người nơi đây.

Trải qua 40 năm tái lập với sự phát triển không ngừng, lãnh đạo địa phương khẳng định, tiềm năng và lợi thế của huyện đang từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả là nhờ những công trình, dự án trọng điểm được đầu tư, xây dựng. Trong đó, có các công trình, dự án thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, nổi bật như hồ Sông Lòng Sông, hồ Đá Bạc, hồ Phan Dũng, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng đã cơ bản khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước… Song song đó, Tuy Phong khai thác có hiệu quả các vùng đất hoang hóa, nâng cao năng suất và thu nhập của người nông dân.

ho-thuy-loi-da-bac-tuy-phong-anh-n.-lan-1-.jpg
Hồ Đá Bạc (ảnh Ngọc Lân)

Những công trình thủy lợi hữu ích

Hồ Sông Lòng Sông được xây dựng ở xã Phong Phú, với một con đập bê tông cao 45,8m, chắn ngang sông Lòng Sông đã tạo nên một hồ chứa sừng sững với dung tích hữu ích 33,28 triệu m3. Hồ Sông Lòng Sông có nhiệm vụ tưới cho 4.260 ha đất nông nghiệp, làm xanh tươi hàng chục vạn ha đồi, đồng xung quanh hệ thống thủy lợi Lòng Sông và cấp nước sinh hoạt cho 53.000 người, cải tạo khí hậu, giảm nhẹ lũ hạ lưu. Còn hồ chứa nước Phan Dũng có diện tích 231,2 ha, dung tích hồ 11.212 triệu m3. Hồ chứa nước Phan Dũng với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 490 ha đất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc xã Phan Dũng. Đồng thời cắt lũ hạ lưu, cùng với hồ Sông Lòng Sông điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên toàn địa bàn Tuy Phong. Riêng hồ Đá Bạc thuộc xã Vĩnh Hảo với diện tích khoảng 70.000 m2. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất của huyện Tuy Phong được xây dựng để cung cấp nước tưới tiêu phục vụ canh tác của nhân dân 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân…

ho-thuy-loi-phan-dung-tuy-phong-anh-n.-lan-1-.jpg
Hồ Phan Dũng (ảnh Ngọc Lân).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, quá trình phát triển, ngành nông nghiệp của huyện đã có chuyển biến mạnh mẽ, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các hồ chứa nước, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng đã cơ bản khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước. Đến nay trình độ sản xuất của người nông dân được nâng lên, nhất là quản lý và bố trí mùa vụ thích hợp đã tạo ra những thay đổi tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sản lượng lương thực của huyện đến năm 2022 đạt 28.311 tấn. Một số cây trồng chủ lực như cây nho, táo phát triển mạnh. Đồng thời khẳng định, Tuy Phong đã và đang phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu hiện có, dựa vào nguồn nước thủy lợi để chọn loại cây trồng phù hợp.

Cùng với các công trình hồ chứa, trong những năm qua huyện Tuy Phong được đầu tư, đưa vào sử dụng các nhà máy nước như Phong Phú, Hòa Minh và Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân. Đặc biệt Nhà máy nước khu vực Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân đảm bảo đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân 2 xã và phục vụ cho nước sản xuất của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân, nhất là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. “Có nước là có tất cả” - Có nước, khát vọng của con người và mảnh đất nắng gió Tuy Phong đã trở thành hiện thực…

Về định hướng phát triển trong những năm tới, lãnh đạo huyện Tuy Phong cho rằng, hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn ngày càng được quan tâm đầu tư, cơ bản chủ động được nước tưới. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các cây trồng có lợi thế của huyện như cây nho, cây táo, các loại cây dược liệu, tảo spirulina…

Từ một vùng đất khô cằn, nhờ có các công trình thủy lợi, đến nay khi “cơn khát” được giải quyết, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, kinh tế nông nghiệp của Tuy Phong đã chuyển biến mạnh mẽ.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong:
Tuyên dương 11 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Huyện đoàn Tuy Phong vừa sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Chương trình "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên" gắn với tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023.
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các công trình thủy lợi: Hiện thực hóa khát vọng giải “cơn khát” cho đất và người Tuy Phong