Xét cho cùng Boléro chỉ là một nhịp điệu như: Tango, Rumba, Slow…, nhưng vì Boléro mang cảm giác buồn nên mang tiếng là vàng, là “sến”… Nhưng nếu hỏi nhạc vàng, nhạc sến là gì, thì chưa có câu trả lời rạch ròi, khả dĩ chấp nhận được.
Đa phần nhạc Boléro hướng đến nỗi lòng, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, thân phận con người trong chiến tranh, nên thường đi thẳng vào lòng người nghe. Bởi trong chúng ta, mấy ai không yêu cánh cò, đàn trâu, đồng ruộng, mùa lúa, con đê, dòng sông, lũy tre… thậm chí một tiếng hò nơi đầu ghềnh cuối bãi, một mối tình trên con đê vắng? Nhạc Boléro đứng được trong lòng người nghe cũng vì những điều rất đổi thân thương ấy.
Có một dạo nhạc Boléro bị xem thường, và người hát nhạc Boléro cũng bị đánh giá thấp về trình độ thưởng thức âm nhạc!? Thế nhưng, 5 năm trở lại đây Boléro đã thịnh hành trở lại. Mới đây Đài Truyền hình Vĩnh Long đã tổ chức cuộc thi “Sô lô cùng Boléro”, và VTV3 phát lại, làm nức lòng khán thính giả với những bài tình ca Boléro vang bóng một thời do những giọng ca không phân biệt tuổi tác, như những con chim lâu ngày ngứa cổ hót chơi! Người nghe có cảm tưởng rằng đây là những giọng ca không thua ca sĩ chuyên nghiệp, có đôi hay hơn những ca sĩ “múa hay hơn hát”! Sô lô cùng Boléro là đốt lại lò hương cũ, nghe Boléro là những kỷ niệm của một thời, để lòng mình đắm chìm trong miền ký ức cũ, thắp lên dĩ vãng của những năm tháng hun hút xa xưa.
Nói về nhạc Boléro, tôi từng thắc mắc không biết bản nhạc nào là bản nhạc đầu tiên mang giai điệu Boléro ở Việt Nam? Theo thiển ý của tôi, không thể căn cứ vào ghi ngày tháng cấp phép xuất bản để khẳng định thời gian từng bản nhạc ra đời, vì có không ít bản nhạc chép tay hát trước rồi sau đó tác giả mới xuất bản. Mới đây trên báo Thanh Niên xuân Bính Thân 2016, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong bài viết của mình “Bài Boléro đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam”, đã viết một cách chắc nịch rằng nhạc phẩm Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn là bài hát Boléro đầu tiên của Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì Nắng chiều mang nhịp Rumba Boléro chứ không phải đặc hiệu Boléro mà những người ít hiểu âm nhạc khó hát trúng nhịp. (Nhắc đến Nắng chiều người nghe nhớ đến ca sĩ Kim Anh, người độc quyền bài hát này). Ông còn chụp lại bìa nhạc phẩm Nắng chiều và chú thích: Nắng chiều - bản in rời năm 1971, tái bản lần thứ 10 tại Sài Gòn. Riêng cá nhân tôi, tôi chưa tin, “chưa tin cũng chưa hẳn là phủ nhận” (xin lỗi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tôi rất yêu mến anh là một nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ có tài), vì từ năm 1956 ở một ngôi trường làng chúng tôi đã từng gõ thùng thiếc nhịp điệu Boléro hát bài Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng:
Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá…
Và cũng có một bản nhạc Boléro xuất hiện trong thời gian này, đó là nhạc phẩm Trăng phương Nam của Anh Hoa (hình như tác giả này chỉ có một ca khúc?) được ca sĩ Mai Thiên Vân hát lại ở hải ngoại:
Đây phương Nam đây ruộng Cà Mau no lành
Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh
Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh
Lúa về bao nhiêu tin lành
Từ khắp quê cùng kinh thành…
Thêm một nhạc phẩm Boléro khác nữa, khá nổi tiếng trong 9 năm kháng chiến, mà sau này tôi mới biết tên: Chiều trong rừng thẳm của Anh Việt:
Trong rừng xa vắng âm u nhuộm ánh dương mờ
Tiếng gió rít lên ngàn cây xác xơ
Chuông chùa vang nhắc ngân lên như những oan hồn
Rừng còn mang hận mãi trong hoàng hôn…
(Nhạc sĩ Anh Việt còn có một bài hát làm say mê thính giả thời xa xưa ấy đó là nhạc phẩm Bến cũ).
Bài hát Chiều trong rừng thẳm tôi bắt gặp khi đi mua đĩa nhạc trên đường H.T.K. Bài hát này do một giọng ca nam có tên là Nguyễn Thanh Vân trình bày, có thể đây là một giọng ca vàng mà tôi không biết ông là ca sĩ của thế hệ nào.
Thêm một vài tư liệu nêu trên, rất mong bạn đọc tham khảo. Biết đâu nhân sự việc này, có người sẽ hỏi: Bài hát nào mang giai điệu Tango, Slow, Rumba, Cha cha cha, Habanera, Twist… đầu tiên của Việt Nam? Đây cũng là một đề tài khá thú vị dành cho những ai thích sưu tầm tân nhạc Việt Nam.
TRẦN HỮU NGƯ