Đột ngột, Thanh xuất hiện.

Nắng trưa làm con Vid khoanh tròn thiu ngủ bên hiên nhà. Vid về với tôi từ ngày dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, phố rào phố, nhà ngăn nhà, những bao xác người chất đống đợi vô lò thiêu nên tôi đặt tên Vid để ghi nhận một nỗi ám ảnh khủng khiếp chớ Vid chẳng phải chó Tây chó Mỹ hay chó Tàu. Con Vid mọi khi vừa gầm gừ sủa, vừa xông vào như muốn “cẩu xực” người lạ nhưng với bà khách này nó im re tôn trọng. Sự tôn trọng của con Vid làm tôi bối rối vì xuất hiện trước mặt khách với trần xì quần xà lỏn khoe cái bụng ba khoanh mỡ.

image0.jpeg

- Ông ngắm kỹ chưa? Thanh đây!

- Trời đất! Bà mới về hả?

Đã bao năm đất chó ỉa mọc lâu đài hai người bạn cũ mới gặp nhau.

Ngày đó cả làng toàn cát trắng, cát phủ quanh chân tường, cát ngập các con đường, bụi cát li ti chui vào mắt trẻ nhỏ người già, rồi cứ dụi mãi nên nhiều người bị toét mắt. Nhiều buổi chiều, cơm nước xong sớm, tôi và Thanh lội cát từ nhà ở bãi Trước ra bãi Sau để thăm và mang thức ăn, đồ dùng cho bà ngoại bạn. Làng tôi ở giáp hai mặt biển nên hình thành bãi Trước và Sau, hai đứa phải nửa giờ băng qua một quãng đường cát và leo một động cát mới tới nơi. Bà ngoại Thanh sống một mình trong căn nhà thờ tự của dòng họ.

Thích nhất là vào những đêm trăng. Trăng bao la tráng sữa khắp đồi cát. Trên đường về, trăng gây lạnh trên mái tóc, trên mặt mũi, trên hai vai còn cát gây lạnh hai bàn chân không mang dép của hai đứa tôi. Lội cát, leo đồi cát đâu cần phải mang dép cho vướng víu. Cái lạnh xua chúng tôi đi sát vào nhau hơn, nắm tay nhau chặt hơn. Nhưng tôi thích nhiều hơn cả là những cơn mưa lúc chúng tôi sắp ra về. Mưa! Bà ngoại không cho hai cháu về, bà bắt hai cháu ngủ cùng bà trên chiếc giường vạt gỗ trải chiếu. Bà nằm giữa, hai đứa nằm hai bên, cùng đắp chung một cái mền dày và rộng. Người già ngủ ít, chừng ba giờ sáng bà đã quạt than nhóm lò nấu nước, bắc nồi cơm rồi khi con gà trống ngủ trên cây mận vừa đập cánh bay xuống sân vừa sang sảng gáy, bà mới kêu hai cháu dậy để về nhà cho kịp giờ đến trường. Một sáng, bà kéo cái mền và thấy hai cháu vô tư ôm nhau ngủ. Sau buổi sáng đó, đêm nào ngủ lại nhà bà, bà cho tôi ngủ riêng trên bộ ván có lót cái mền mỏng vì sợ tôi bị lạnh lưng. Tôi ngủ riêng còn Thanh ngủ với bà không nhiều đêm trong một mùa mưa vì hai đứa không còn dịp đi thăm bà nữa, bà đã mất đột ngột dù không bệnh hoạn. Năm đó, tôi và Thanh thi tốt nghiệp tiểu học. Rồi Thanh nghỉ học, còn tôi may mắn được tiếp tục đến trường.

Mấy ngày sau Thanh kêu cửa nhà tôi rất sớm, rủ tôi đi uống cà phê ở một quán ngoài bãi Sau. Thanh không cho tôi lấy xe máy.

- Mình đi bộ thể dục, nghen…

Đường tráng nhựa phẳng phiu, có lề đường rộng lót gạch. Tôi và Thanh thả bộ khoan thai. Cái động cát năm xưa hai đứa hì hục leo, dồn dập thở đã bị bứng mất từ lâu. Những lùm bụi xương rồng với sức sống mãnh liệt nơi vùng gió cát khô hạn đã tuyệt chủng, thay vào đó là các loại cây thân gỗ lá thường xanh trồng ven đường. Bãi Sau, nơi neo đậu tàu thuyền đánh cá và ca nô cao tốc chở khách du lịch đến các đảo nhỏ quanh vùng nhộn nhịp ngày đêm. Quán cà phê sân vườn lộng gió nhưng không còn những sợi tóc dài một thời của Thanh tạt vào mặt mũi làm tôi vừa nhồn nhột vừa khoan khoái. Thanh cắt tóc ngắn, có chỗ da đầu lộ những chân tóc bạc và ở đầu ngọn nhiều sợi tóc ngã màu hung đỏ vì phai thuốc nhuộm.

Gặp lại sau thời gian dài xa cách, chừng như có quá nhiều chuyện để kể lể nhưng không thế, hai người bạn già chìm đắm trong cõi mơ màng như ngoài kia, từng con sóng va đập vào kè đá lô xô mờ ảo khói sóng.

Như sực tỉnh, Thanh thầm thì:

- Ông biết sao tôi rủ ông đi cà phê sớm vậy không?

Tôi nhìn sâu vào ánh mắt mệt mỏi của bạn chờ giải thích.

- Tôi dậy sớm vì…

- Khác múi giờ?

- Không! Vì cái loa trên cột điện gần nhà! Mới năm giờ sáng đã oang oang…

Thanh hỏi thăm về mấy người bạn chung thuở thiếu thời, gia đình mấy người hàng xóm của chúng tôi. Tôi trả lời nhát gừng vì mải nhìn theo ánh mắt xa xăm của bạn đang dõi theo một cánh buồm xa khuất.

Thanh chợt cười tủm tỉm, thỏ thẻ:

- Ông nhớ đêm xưa coi chiếu bóng ở sân banh đầu làng không, mấy phim có cảnh máy bay Mỹ dội bom đó. Khi tấm màn trắng căng ngang hai cây sào vừa nhấp nháy những chấm sáng, tiếng còi hụ đã vang rền, rồi tiếng loa: “- Đồng bào chú ý… Đồng bào chú ý…”. Rồi xuất hiện cận cảnh phụ nữ, trẻ em chui vào mấy cái lỗ tròn có nắp đậy ven đường, mấy người mặc đồ xanh chỉa súng trường lên trời…

- Nhớ… Nhớ chớ sao không!

Tôi ấp úng. Thanh cười hả dạ nhưng thật ra tôi không nhớ cảnh phim bạn kể mà tôi rất nhớ cảnh ngoài màn hình. Một cặp anh chị ngồi trong bóng tối, cách hai đứa tôi vài thước, đang ôm nhau hôn mùi mẫn. Và tôi đã căng mắt nhìn họ, rồi quay nhìn chết trân gương mặt của Thanh dù tôi biết rất rõ là trên má trái đen đúa của bạn có một cái nốt ruồi. Tôi bỗng dưng muốn đưa tay ngắt cái nốt ruồi vô duyên đó nhưng năm ngón tay chợt cứng đơ không nhúc nhích được.

Chúng tôi lan man chuyện không đầu không đuôi đến gần giờ cơm trưa. Tiền cà phê đã trả nhưng Thanh còn già chuyện.

- Ông còn giận tôi không?

- Về chuyện gì?

- Về cái bạt tai!

Bất giác tôi đưa tay sờ má. Thanh đã hằn năm ngón tay hộ pháp trên má thư sinh của tôi ngày nào nhưng tôi không hề giận vì chuyện đó, mà chỉ rất giận bạn đã bỏ đi không một lời từ giã. Tôi không trả lời, bảo Thanh đứng lên và xoay lưng về phía tôi. Tôi muốn xác định thời gian có làm thay đổi vóc dáng của bạn hay không. Xoay một vòng xong, Thanh đọc nhỏ hai câu ca dao:

- “Dù em có đẹp trăm bề. Em leo động cát cũng xề mông ra!”.

Và bạn ôm bụng cười ngặt nghẽo. Tôi cũng cười lớn tiếng. Mấy người khách quay nhìn ngạc nhiên. Sau khi Thanh nghỉ học, hai đứa tôi vẫn chơi rất thân với nhau. Dù tôi đang học cấp ba nhưng thân thể còm nhom, còn bạn sớm trổ mã thành một thiếu nữ khỏe mạnh: chân dài, ngực nở, mông to… Có lẽ nhờ bạn tích cực thực hành câu khẩu hiệu trên cửa miệng mọi người thời bấy giờ: “Lao động là vinh quang”, vì ngày mấy bận bạn phải vượt đồi cát với gánh cá trên vai.

Không biết tôi đọc được trong quyển sách nào đó hai câu ca dao mà tôi cho rằng quá hiện thực để diễn tả sự tác động của lao động vào một bộ phận cơ thể của thiếu nữ làng cát nên vào một đêm trăng, khi hai đứa ngồi bên rìa động cát tâm sự, tôi đã ỏn ẻn đọc cho Thanh nghe. “Dù em có đẹp trăm bề. Em leo động cát cũng xề mông ra”.

Và… Bạn đã thưởng cho tôi một cái tát trời giáng làm tôi chúi nhủi úp mặt xuống cát. Rồi, bạn lảo đảo băng qua đồi cát, bỏ tôi ngồi lại một mình ôm mặt dàn dụa nước mắt. Rồi, tôi chưa kịp gặp bạn để chân thành xin lỗi thì bạn đã đi xa. Ngày đó, ở bãi Sau làng tôi, thuyền đánh cá neo đậu cách nhà mươi bước chân nên có nhiều chủ thuyền nhổ neo đi xứ khác; và Thanh đã bám be thuyền quá giang.

Trên đường về, Thanh rù rì bên tai tôi.

- Vận động cặp giò lội đường cát, leo động cát nên mông xề ra là hợp quy luật. Mong sao những người làm việc bằng trí óc thì trí của họ, óc của họ cũng nở nang, mở mang ra!!!

TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ VIỆT KHUÊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
 
Phim Việt, “chạm” cảm xúc người Việt
BTO-Trong dịp lễ, nhiều người đã lựa chọn giải trí bằng cách ra rạp xem phim. Hai bộ phim Việt đang chiếu, thời điểm này là “Cái giá của hạnh phúc” và “Lật mặt 7: Một điều ước”… Trong đó, “Một điều ước” của Lý Hải đã chạm đến từng ngốc ngách cảm xúc của khán giả trong câu chuyện về gia đình Việt.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạn cũ ôn chuyện cũ