Chiều. Chiều rồi. Chẳng có hoàng hôn rực rỡ. Chỉ có bóng đêm âm thầm len lỏi khắp không gian. Thương vẫn cố nán lại chưa muốn về. Nghĩa trang chẳng còn ai ngoài chị và người quản trang già. Ông đang nhổ mấy bụi cỏ cho đám rau cải, thi thoảng lại liếc chừng như thể sợ chị bỗng dưng tan biến vào hư vô mất tăm vậy. Mãi chẳng thấy Thương có ý định về, ông ngừng tay, lại gần hối:

image0.jpeg

- Tối rồi đấy. Về đi. Mai lại ra.

Thương uể oải đứng lên, xiêu vẹo ra về. Bước chân nặng trĩu, như thể tất cả nỗi buồn đau đang ghì chị xuống. Người quản trang già nhìn theo, lắc đầu ngao ngán:

- Thương… còn trẻ thế mà…

Thương đã nghe câu nói ấy không biết bao nhiêu lần từ hồi đám ma tới giờ. Trẻ. Ừ, còn trẻ thật. Cả Thương và anh. Anh mới hai mươi tám. Thương mới hai mươi bảy. Còn chưa tới nửa đời người. Vậy mà… Mỗi lần nghĩ đến là cổ họng Thương lại nghẹn đắng. Hồi xưa mẹ bảo đừng lấy chồng bộ đội, khổ lắm con ạ. Nhất công an, nhì bộ đội, năm được mấy ngày ở nhà đâu. Thương vờ không nghe thấy lời mẹ. Thương thầm nghĩ mẹ đâu có hiểu tiếng nói con tim là gì. Nhất là khi tiếng trái tim rộn rã quá, không bao giờ ngừng ca hát. Thương đã cãi mẹ để đến với anh. Mẹ không mắng, không cấm cản. Mẹ vẫn lo chu toàn cho đám cưới của con gái. Ngày Thương về nhà người ta, mẹ không khóc, chỉ thở dài thườn thượt, đánh rớt nỗi lo lăn theo mấy bánh xe của đoàn xe rước dâu.

Có lần anh bảo sao ngày trước không nghe lời mẹ, lấy anh chi rồi ôm cô đơn suốt năm dài tháng rộng. Thương cười, em đã có ảnh anh dưới gối, lại có cu Bin nữa, sao mà cô đơn được. Không phải Thương muốn an ủi anh, thiệt tình là vậy. Cu Bin là món quà quý giá mà anh tặng chị. Thằng bé càng lớn càng ngoan, ra dáng người lớn. Mới sáu tuổi thôi mà nó nói năng, suy nghĩ y hệt ông cụ non. Như cái bữa đồng đội đưa anh về, mẹ thì ngất lên ngất xuống chứ nó chỉ bập răng vào môi đứng im không khóc. Bác gái hỏi:

- Bin không nhớ bố à?

Nó đáp:

- Bin nhớ chứ, nhưng bố dặn làm đàn ông không được khóc. Bin không khóc đâu, Bin còn phải bảo vệ mẹ nữa.

Câu nói của con lọt vào màng nhĩ người mẹ đang héo đi như tàu lá chuối phải nắng trưa. Chị đột nhiên không lăn lộn khóc nữa. Chị quệt nước mắt, đứng thẳng dậy. Phải. Từ nay phải mạnh mẽ để bảo vệ con trai, phải là chỗ dựa cho con…

Chị đã cố gắng mạnh mẽ cả tháng nay. Là trước mặt người khác, trước mặt con thôi. Còn khi đứng trước anh, chị lại mềm yếu như xưa nay vẫn vậy. Không khóc. Không gào thét. Chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh, ngắm khuôn mặt điển trai đang cười rất tươi của anh. Anh đi vội quá, chị đành lấy tấm hình dưới gối để người ta phóng to làm ảnh thờ.

“Đến tấm ảnh thờ nó còn chưa kịp chụp” mẹ chồng hay khóc hờ như thế mỗi lần thắp nhang cúng cơm chiều cho anh.

Phải. Anh đi đột ngột quá. Chị vẫn chưa tin đó là sự thật. Chị vẫn chờ những cuộc gọi video của anh mỗi tối cuối tuần, chờ anh hỏi thăm, chờ anh bảo đã gửi quà cho hai mẹ con rồi đấy. Quà của anh chẳng có gì cao sang, chỉ là mấy quả mận hậu, vài cân miến dong, ít quả dưa chuột Mèo. Chỉ vậy thôi mà hai mẹ con mừng lắm. Thằng Bin tíu tít chạy khoe khắp xóm bố Bin gửi quà về, bố Bin sắp về ngủ với mẹ Bin rồi. Mặt chị đỏ ửng hơn gấc khi nghe người ta hỏi “bố về giành mẹ Bin không buồn à?” và thằng Bin ngây ngô bảo “không, phải yêu thương bố, chia sẻ với bố, cô giáo dạy thế đấy”. Chú chia sẻ mẹ với Bin được không? Không nhé, chỉ chia cho bố thôi. A, cái thằng này bé tí mà khôn đáo để nhở.

Bao giờ nghỉ phép, anh cũng vội vã về thăm hai mẹ con. Vừa quăng ba lô xuống sàn là đã gọi toáng lên: Bin đâu, vợ ơi! Vợ con vừa chạy ra là một tay bế con một tay ôm vợ, hôn hít cả hai như thể thèm hơi lắm lắm.

Những khi gần gũi, thể nào anh cũng rì rầm nói chuyện suốt đêm. Anh bảo thương hai mẹ con côi cút. Đôi lần Thương cũng tự thương thân mình chứ, song lại nghĩ, đời một người đàn bà chỉ cần quanh quẩn bên chồng con là đủ. Nhưng đàn ông thì không. Anh sinh ra là để cho đi. Bộ đội biên phòng mà, cắm bản nhiều hơn ở nhà, lo chuyện người ta hơn lo vợ con. Đã chấp nhận làm vợ lính là chấp nhận mạnh mẽ như đàn ông. Mái tôn giột cũng bắc thang leo lên thay. Nửa đêm con sốt một mình ôm con vào viện. Rắn vào nhà không hét toáng mà bình tĩnh chạy tìm cây đập. Chị dần trở thành đàn ông khi nào chẳng rõ. Nhưng hễ mỗi lần anh về, chị lại trút vai xuống, trở về thành người phụ nữ yếu đuối, để được nũng nịu, để đòi anh phụ thứ này thứ nọ.

Giờ thì hết. Hết thật rồi. Đến bữa cơm nấu lên, mong cho có người chung mâm, vừa ăn vừa nói chuyện trên trời dưới đất cho mau hết đồ ăn cũng chẳng có. Cơm nấu lên rồi, hai mẹ con nhìn nhau, buồn hiu hắt. Có bữa đút cho con ăn xong, chị mệt quá nằm oặt xuống giường, bỏ cả cơm tối. Thằng Bin xoắn xuýt hỏi thăm đủ các kiểu. Mẹ ốm à. Bin thoa dầu gió cho mẹ nhé. Bin đấm lưng cho mẹ nhé. Chị để con lăng xăng chăm sóc mẹ mà len lén quệt nước mắt vừa lăn dài trên má. Chị không muốn con biết mẹ nó khóc.

Đừng khóc nữa, Thương ạ. Mày phải mạnh mẽ sống, lo cho con, gánh luôn phần làm cha của anh nữa. Đừng khóc nữa nhé, Thương.

Chị đã tự nhủ mình như vậy. Thế mà mỗi lần cúng cơm cho anh, nước mắt cứ lăn dài vô thức. Khuôn mặt ấy, nụ cười ấy. Sao mà đẹp đẽ thế. Anh cứ mãi mãi tuổi hai tám tóc xanh thẳm. Sau này chị mất đi, cạnh anh lại là người vợ già ngắt, da nhăn nheo chảy xệ. Rồi con cháu sau này mỗi lần dọn bàn thờ, mỗi lần cúng giỗ có thắc mắc sao ông và bà người già người trẻ không. Chị muốn gào lên sao anh lại bỏ em đi sớm thế. Sao anh lại nỡ lòng bỏ em đi vậy. Nhưng rồi lại dồn nén tất cả cảm xúc ấy vào tim. Câm lặng.

Mỗi lần vô tình xem tivi, đọc báo hay lướt mạng xã hội mà thấy người ta ngợi ca anh, thấy ảnh anh đang cười là tim chị thắt lại. Chị không cần nghe những lời ngợi ca hay những câu tội nghiệp. Chị cần anh lành lặn trở về. Chị thèm một cái ôm của anh, thèm hơi thở của anh. Nhưng tất cả chẳng còn hiện hữu nữa rồi. Dòng nước lũ đã cuốn phăng tất cả. Anh đã xả thân mình cứu người gặp nạn mà chẳng nghĩ đến hiểm nguy cho bản thân. Đồng đội báo tin khi chị đang dạy học. Bình thường sẽ chẳng nghe máy đâu, nhưng sao hôm ấy nóng ruột quá, bắt máy ngay. Nghe đầu dây bên kia sụt sịt “Nam… nó… nó… hy sinh rồi em ạ”. Điện thoại rơi xuống đất. Chị đứng như trời trồng. Hy sinh? Hy sinh ư? Không. Không đâu. Sao lại hy sinh được. Thời bình cơ mà, đâu phải thời chiến. Thời bình thì bộ đội chỉ chịu gian khổ một chút xíu thôi, sao có thể hy sinh được cơ chứ. Sao có thể được chứ. Chắc nhầm số rồi. Chắc báo lộn rồi. Chị vội vàng nhặt điện thoại lên. Gọi lại. Anh nói gì cơ, anh nói kỹ em nghe xem. Ai hy sinh? Sao lại hy sinh. Nam hy sinh thật rồi em ạ. Đơn vị anh đang làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Em xem ti vi chắc cũng biết đang lũ hậu bão đúng không. Đấy, lũ em ạ. Lũ dữ dội. Nó cứu người chẳng may bị dòng lũ ào tới cuốn trôi. Không… không… anh lừa em. Là anh Nam bảo anh lừa em chứ gì. Anh ấy định tạo bất ngờ cho em đúng không. Tuần sau sinh nhật em, anh ấy định tạo tin giả rồi đột ngột về đúng không. Em còn lạ gì cái trò này nữa. Không, thật đấy em ạ. Đơn vị đang sắp xếp xe đưa Nam về. Chắc nội trong ngày mai là tới nơi. Anh gọi mẹ Nam rồi đấy. Gia đình cố gắng sắp xếp chu toàn nhé. Anh xin lỗi, đang làm nhiệm vụ không về đưa tiễn Nam được.

Im lặng.

Im lặng.

Chị sắp xếp lại mớ thông tin vừa nghe. Là thật. Anh đi thật rồi. Anh đi thật rồi sao. Bỗng nhiên tất cả cơ thể chị rúm ró lại. Chị ngất đi. Chị muốn đi tìm anh…

Đời một người phụ nữ ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Ai mà biết được số phận mình ra sao. Thôi ráng con à. Nó cũng đã đi rồi, biết sao được. Dọn về ở chung với bố mẹ cho có tiếng người đỡ tủi thân. Mẹ chồng bảo thế. Chị chỉ cười nhạt. Vâng, số anh vậy biết sao được. Nhưng thôi mẹ ạ, con và Bin vẫn ở bên này, tiện cúng cơm cho anh. Với lại, con cũng quen rồi mẹ ạ. Chỉ là… Nói đến đấy nước mắt dâng lên nghẹn cổ họng. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Thằng Bin chạy từ nhà trên xuống. Nó gỡ bà và mẹ ra. Nó nghiêm giọng:

- Đã bảo là không khóc nữa. Bố buồn đấy. Bố dặn Bin phải mạnh mẽ. Đàn ông phải mạnh mẽ, không để cho phụ nữ khóc.

Bà nội kéo nó vào lòng. Ôi cháu của bà nói đúng quá. Bà không khóc nữa.

- Bố làm việc tốt, bố đi đến thiên đường thôi. Bà đừng khóc nữa nhé.

- Ừ, bà không khóc nữa. Bà không khóc nữa đâu.

Cuối cùng người mạnh mẽ nhất nhà lại là Bin. Thằng bé luôn sốt sắng lo cho mọi người trong gia đình. Nó an ủi từng người. Nó động viên cả nhà. Thế mà có bữa chị bắt gặp nó đứng ôm bàn thờ bố, thầm thì: bố ơi con nhớ bố lắm. Bố ơi bố có nhớ Bin không. Bố ơi trên thiên đường phải vui vẻ nhé. Bin sẽ bảo mẹ cúng cơm cho bố. Lâu lâu, bố lại về thăm mẹ con Bin nhé. Đang tâm sự với bố, nghe tiếng bước chân mẹ nó vội quệt nước mắt, giả vờ: mẹ ơi, vừa nãy bụi nhang bay vào mắt con đấy, con không khóc đâu. Con vẫn giữ đúng lời hứa với bố, không khóc đâu.

Ừ, không khóc đâu. Chị sẽ không khóc nữa. Chị sẽ mạnh mẽ đứng lên thay anh gánh mọi trách nhiệm với gia đình. Còn ba mẹ già yếu. Còn con thơ dại. Nên chị sẽ đứng lên, như lời hứa với anh khi xưa: làm vợ lính thì cũng cần phải có tinh thần thép, cần ý chí kiên cường. Em có làm được không? Em làm được mà, vì anh em sẽ làm tất cả. Vậy thì chúng ta cưới nhau nhé. Dẫu có cách xa nhau, nhưng trái tim vẫn gần bên nhau mãi mãi. Đúng vậy anh ơi, dẫu có xa cách ngàn trùng, trái tim em vẫn mãi mãi gần bên anh…                                 N.K

TRUYỆN NGẮN CỦA NGÂN KIM


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bạn cũ ôn chuyện cũ
Đột ngột, Thanh xuất hiện.
Nổi bật
‏T‏‏ỉ ‏‏s‏‏ố “‏‏kh‏‏ô‏‏ng t‏‏ưở‏‏ng‏‏”‏
‏Ch‏‏ỉ ‏‏d‏‏ù‏‏ng 2 t‏‏ừ “‏‏kh‏‏ô‏‏ng t‏‏ưở‏‏ng‏‏” ‏‏m‏‏ớ‏‏i di‏‏ễ‏‏n t‏‏ả đượ‏‏c t‏‏ỉ ‏‏s‏‏ố ‏‏c‏‏ủ‏‏a tr‏‏ậ‏‏n ‏‏đấ‏‏u gi‏‏ữ‏‏a Man City v‏‏à ‏‏Sporting Liisbon ‏‏trong ‏‏l‏‏ượ‏‏t ‏‏đấ‏‏u th‏‏ứ ‏‏4 v‏‏ò‏‏ng x‏‏ế‏‏p h‏‏ạ‏‏ng Champions League m‏‏ù‏‏a gi‏‏ả‏‏i ‏‏2024-2025 di‏‏ễ‏‏n ra v‏‏à‏‏o r‏‏ạ‏‏ng s‏‏á‏‏ng nay 6/11. Trong 1 ng‏‏à‏‏y ‏‏Erling Haaland‏‏ đá ‏‏h‏‏ỏ‏‏ng ph‏‏ạ‏‏t ‏‏đề‏‏n, ‏‏Man City‏‏ đã ‏‏ph‏‏ơ‏‏i ‏‏á‏‏o tr‏‏ê‏‏n s‏‏â‏‏n ‏‏Sporting‏‏ Li‏‏isbon‏‏ v‏‏ớ‏‏i t‏‏ỉ ‏‏s‏‏ố 4-1.‏‏
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mãi mãi bên anh…