Như vậy, đến nay còn 22/91 xã, phường, thị trấn chưa hoàn thiện bản đồ địa chính nên chưa thể bàn giao chính thức để đưa vào sử dụng; trong đó, có các xã, thị trấn đã triển khai đo đạc từ năm 2008, như: Hồng Phong, Hồng Thái, Hải Ninh (Bắc Bình), Tân Thành (Hàm Thuận Nam), Tân Minh (Hàm Tân), Đức Chính (Đức Linh). Đồng thời, quá trình triển khai thi công các hạng mục công trình đều chậm. Đáng lưu ý là bản đồ địa chính ở một số địa phương chưa đạt chất lượng theo yêu cầu, có nhiều sai sót nên khi người dân có nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tiến hành trích đo, chỉnh lý thửa đất và phải chi trả khoản chi phí này. Mặc dù, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để đo đạc theo Dự án tổng thể. Điều này vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước, vừa gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng rất lớn đến công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Về bản đồ, hiện nay còn 17 xã, phường thực hiện từ đầu năm 2020 và 2021, do thời điểm dịch Covid-19 nên tiến độ có chậm. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, dự kiến vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 hoàn thành. Trong đó có xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (thực hiện từ năm 2010), đã hoàn thiện bản đồ để đưa vào cấp giấy chứng nhận từ năm 2015, hiện nay đang hoàn thiện lại bản đồ theo kết quả cấp giấy chứng nhận. Riêng các xã như: Hồng Thái, Hải Ninh (Bắc Bình), Tân Thành (Hàm Thuận Nam), Tân Minh (Hàm Tân), Đức Chính (Đức Linh) đã hoàn thiện bản đồ, bàn giao các cấp để sử dụng từ năm 2018, 2019.
Về tiến độ thi công chậm, theo giải thích của ngành chức năng, trong giai đoạn 2009 - 2014, quy định về đo đạc bản đồ có nhiều sự thay đổi, do đó trong quá trình thực hiện phải cập nhật theo các quy định mới. Đồng thời, giai đoạn này giữa các quy định về bản đồ địa chính có sự mâu thuẫn về thể hiện ranh thửa đất đối với những trường hợp đã cấp giấy chứng nhận (vừa yêu cầu thể hiện theo giấy, vừa yêu cầu thể hiện theo hiện trạng). Trong khi trên địa bàn tỉnh, việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện từ những năm 1990, bản đồ sử dụng để cấp giấy là bản đồ giải thửa, người dân tự đo vẽ, trích đo không có tọa độ nên khó khăn trong việc thể hiện bản đồ. Khi quy định về đo đạc bản đồ theo Luật Đất đai 2013 thì mới thống nhất việc thể hiện ranh thửa theo hiện trạng, vì thế tiến độ của giai đoạn này có chậm.
Về chất lượng bản đồ, giai đoạn trước Luật Đất đai 2013 có yêu cầu thể hiện ranh thửa theo giấy chứng nhận, nhưng thực tế người sử dụng đất sử dụng ranh thửa khác với giấy chứng nhận, nay thực hiện quyền phải chỉnh lý lại theo quy định hiện hành. Có trường hợp do người sử dụng tự tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích nhưng không đăng ký nên chưa cập nhật. Cũng có trường hợp có đăng ký nhưng giai đoạn trước đây các Chi nhánh Văn phòng đăng ký cấp huyện chưa cập nhật lên bản đồ, cơ sở dữ liệu...
Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình biến động đất đai rất lớn, trong quá trình giải quyết thủ tục cho người sử dụng đất, những trường hợp đo đạc, chỉnh lý theo yêu cầu của người sử dụng đất như tách thửa, hợp thửa, chỉnh lý trích lục mà nguyên nhân do người sử dụng đất thì phải thu phí theo quy định. Trường hợp do sai sót trong quá trình lập bản đồ trước đây, thì hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý, cập nhật bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Đối với 33 xã, phường, thị trấn còn lại, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện các thủ tục để khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật – dự toán để tổ chức triển khai thực hiện dự kiến vào đầu năm 2023 nhằm hoàn thiện 124/124 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.