Theo dõi trên

Bản hòa âm trong tập thơ chưa mấy xưa

06/10/2023, 05:39

Đọc lại những tập thơ gọi là xưa của bạn thơ trong vườn thơ Bình Thuận để cảm nhận sự hồn nhiên, mơ ước của một thời. Trong tôi chợt bắt gặp nỗi xúc động bồi hồi khi đọc tập thơ “Trân Trọng” do Nxb.Trẻ xuất bản hồi cuối năm 1998, tức cách đây 25 năm.

Trân Trọng gồm các tác giả Nguyên Đình (1939), Ngô Đình Miên (1954), Hồ Việt Khuê (1952) và Nguyễn Thạnh (1956)… So với không gian dành cho văn chương và điều kiện in ấn lúc này đối với địa phương còn nhiều eo hẹp. Tuy vậy đây cũng là những rung cảm trong thơ của các tác giả đang độ tuổi nửa chặng đời và ở đó ắp đầy hoài niệm, những giấc mơ và bao trăn trở. Với một hình thức trình bày, khổ 18x19cm của họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh vừa bắt mắt vừa gây ấn tượng theo cách điệu kỷ hà.

z4755579045390_aae3f3e98471cada2e3432b7df2cd39a.jpg

May mắn cho tôi, các tác giả thơ trong tập, tôi đều quen biết, nhưng không dám gọi là thân thiết bởi chưa hiểu hết những gì còn lặng lẽ, ưu tư trong mỗi người. Nhưng riêng Hồ Việt Khuê tôi từng đón nhận thơ anh trên tập san Đất Mới của nhóm Văn nghệ Bình Tuy (1973) dưới bút hiệu Hồ Tà Dôn qua hai bài thơ hồi anh chừng 20 tuổi “Vẫy chào Đồi Dương” và “Chiều đụt mưa ở chợ Mũi Né”, thật lãng mạn: “Có mưa, mưa ướt đôi đầu/ Đừng mưa ướt một mình tôi, đau lòng…”. Nhưng trước khi cùng anh em thực hiện tập Trân Trọng này, Hồ Việt Khuê dù với thời gian có dài thêm nhưng vẫn giữ cái chất tình trong thơ tưởng chừng hờ hững mà đủ làm xiêu đổ lòng người. Anh viết: “Xắn quần bước xuống ao bèo/ Chân em trắng muốt cá theo vây đầy/ Em về, em đâu có hay/ Anh ngồi câu cá suốt ngày hôm qua” (Ghen), hay đắm đuối hơn: “Đầu sông em tắm khỏa thân/ Cuối sông con nước tần ngần chảy hai” (Yêu). Hiếm mấy ai, trong đời cũng yêu, cũng nhung nhớ mà phải lơ ngơ nhìn tận cuối con sông để rồi thấy “tần ngần chảy hai”. Khi Hồ Việt Khuê trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam (2006) và âm thầm, mải miết với mảng văn xuôi: Chiếc áo bà ba cổ trái tim (tập truyện - 1993), Có gì không mà tặng bông hồng (tập truyện - 1994), Ở biển (truyện vừa - 1995) về những đề tài cho tuổi thơ vùng biển quê nhà và còn là một phóng viên của báo Tiền Phong với sự năng nổ, chẳng “ngại ngùng” dễ nghĩ hồn thơ anh sớm “khô khốc”, khó để lại cho người yêu thơ nhớ đến. Thế nhưng với tập thơ Cỏ (Nxb. Hội Nhà văn - 2015) lại là tập thơ đầu tiên của anh, mình biết không sai về anh, dẫu rong ruổi, ngọt đắng sự đời thế nào, thơ Hồ Việt Khuê vẫn có một khung trời của tình yêu mượt mà, lãng đãng cho đến sau này.

Tôi nhớ mãi hình ảnh gầy gò của Nguyên Đình (tên thật Trần Công Điệc) những lần vào La Gi, ghé bạn văn nghệ gọi nhau, nâng ly để gọi là… nhưng tôi biết buông cho anh đi đâu đó... Là chuyện riêng anh. Anh quê Quảng Nam nhưng gắn bó với Phan Thiết, Bình Thuận là quê vợ của anh từ những năm trước 1975. Khi đó anh vừa tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định với chuyên ngành tranh lụa và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Anh được tuyển dạy môn vẽ tại Trường Trung học Phan Bội Châu (Phan Thiết). Hồ Việt Khuê là học trò anh ở tiết hội họa thời lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ (tức lớp 6 - 9 sau này). Với tài năng về hội họa Trần Công Điệc từng đạt giải Mỹ thuật Sài Gòn (1962), giải Mỹ thuật Quốc gia Ấn Độ (1965) và giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh Bình Thuận lần I/1997 - giải B với tác phẩm Lòng Mẹ (lụa). Cuộc đời của nghệ sĩ tài hoa Trần Công Điệc đã trải qua nhiều khúc quanh nghiệt ngã.

15 bài thơ của Nguyên Đình trong tập Trân Trọng, tôi không khỏi xót xa với nỗi tuyệt vọng ở anh: “Dĩ nhiên em đã có chồng/ Không dưng anh lại bế bồng giấc mơ/ Phải chi mà đợi mà chờ/ Không em anh vẫn ngu ngơ cõi đời” (Dĩ nhiên) - Biết rõ bi kịch cuộc đời anh mới cảm thấu hết những dòng thơ này, vẫn long lanh như giọt lệ. Tôi thầm nghĩ những dòng thơ tình của Nguyên Đình là những cánh hoa buồn trên mảng màu nghệ thuật kỳ diệu của anh.

Với Ngô Đình Miên trong Trân Trọng, khi đọc những bài thơ này, hoàn toàn tôi bất ngờ với những rung động, lãng tử của thầy giáo Miên có một thời tắm suối tận rừng La Dạ, uống rượu đêm Đông Giang… Những bài thơ Ngô Đình Miên, có thể viết từ trước 1998, tức năm xuất bản tập Trân Trọng, đọc và cảm nhận cái thực trong muôn thuở mà lại “long lanh” với những câu thơ quá đẹp: “Quét lá sân này một sớm đông/ Gió đẫm sương mờ em lạnh không/ Đầy sân bông rụng như màu lửa/ Tay chổi em gom một bếp hồng” (Bông Giấy). Hay với một câu hỏi mà chẳng bâng quơ chút nào: “Lá vàng trút đi, chồi xanh mới lạ/ Tôi trút tuổi đời hỏi có hồi xuân” (Hỏi Xuân). Chỉ có những năm tháng gắn bó với chốn núi cao, rừng thẳm như thế này mới viết được: “Đêm uống rượu giữa cầu treo đưa võng/ Trên miền sông sáng lạnh một dòng trăng/ Em ảo mờ và sương xuân nhòa trắng/ Anh ôm choàng - chỉ gặp bóng cơn say” (Đêm uống rượu trên cầu treo La Dạ).

Sau này, các tập thơ riêng Lời Ru Tóc Trắng (2007), Phía Ngược (2008), Lục Bát Hồn Nhiên (2009) và Rắc Phấn Lên Trời (2022) thật sự ở Ngô Đình Miên có một nguồn thơ phong phú, những khắc khoải tình yêu, tình đời với ngôn ngữ thơ chân phương, giàu cảm xúc. Nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến tập bút ký Bước Lên Hoa Đỏ (Nxb.Văn học - 2011) đạt giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh lần V - 2017 (Giải B - không có giải A). Trong đó đề cập nhiều vấn đề về đời sống và học thuật với bản lĩnh, rạch ròi. Đó cũng là cá tính và phong cách sống của anh.

Với người bạn thơ “đặc biệt” Nguyễn Thạnh, khá ấn tượng - tôi chỉ mới có dịp gần anh từ một năm gần đây qua tập thơ “Bài thơ viết bên bìa vũ trụ” (Nxb. Văn học -2011). Nhưng với thời cùng các bạn thơ Bình Thuận trong Trân Trọng (1998), thơ Nguyễn Thạnh dễ gây một ấn tượng về cách biểu cảm khá mạnh mẽ: “Sau lưng biển có điều gì chưa nói/ Dáng núi ngồi khắc khoải nỗi: Trầm luân” (Trôi). Hay tĩnh lặng hơn: “Mặt trời xuống níu buổi chiều/ Trăng lên rải xuống bao nhiêu hạt vàng/ Thuyền về sông nước mênh mang/ Cho hồn tôi trộn sắc vàng của trăng” (Trăng).

Tập thơ cũ của bốn người bạn, mỗi người mỗi phong cách, mỗi cuộc đời riêng nhưng đã gặp nhau ở tấm lòng mà Nguyễn Thạnh gom lại ở trong bài “Trân Trọng” cũng là tựa tập thơ chung: “Tôi trân trọng từng sợi bất hạnh bủa vây/ Tôi trân trọng từng chiếc lá nằm trong đất/ Tôi trân trọng từng phiến thịt nhỏ nhoi/ của loài côn trùng đã mất”.  

PHAN CHÍNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chung kết 2 Tiếng hát Truyền hình – Ngôi sao biển: 21 giọng hát nổi bật, ai sẽ dừng lại?
Chỉ còn vài ngày nữa, vòng chung kết 2, cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình - Ngôi sao biển” mùa 4 – 2023 sẽ là đêm quyết định, cho những giọng hát trẻ của cuộc thi năm nay.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bản hòa âm trong tập thơ chưa mấy xưa