Theo dõi trên

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

12/09/2023, 18:34

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và việc bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật.

Quy định nhấn mạnh, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp buộc phải miễn nhiệm.

z4686675068348_6fbab17c85d9d23f1b9d6a94e87ae8a2.jpg
Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ được ban hành sẽ giúp cán bộ ý thức hơn trong việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình. (Trong ảnh là Hội nghị lần thứ 23 của Tỉnh ủy).

Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cán bộ bị kỷ luật khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét miễn nhiệm theo quy định. Khi chưa có quyết định miễn nhiệm, từ chức thì cán bộ vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc bố trí công tác khác đối với cán bộ được xem xét, bố trí công tác phù hợp với trình độ, năng lực, đạo đức, kinh nghiệm theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét việc miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật. Đối với cán bộ đang công tác tại các cơ quan khối Nhà nước, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo thực hiện việc miễn nhiệm, cho từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo phân cấp quản lý cán bộ. Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương thì cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy việc cho miễn nhiệm, từ chức; bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật…

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp như, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Có  năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác…

Quy định cũng nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cán bộ bị kỷ luật khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét miễn nhiệm theo quy định…Theo đó, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định và vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, từ chức. Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác, thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Dấu ấn nổi bật trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nửa nhiệm kỳ qua đó là được cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực thực hiện dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng bằng nhiều biện pháp hiệu quả.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ