Theo dõi trên

Bàn về xây dựng văn hóa học đường

03/09/2022, 07:24

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Văn hóa nói chung và văn hóa học đường nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Ngày 1/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nhấn mạnh, việc xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục. Đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương.

van-hoa.png
Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Song, xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách như: Đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học đây đó cũng có nhiều biến tướng, bạo lực học đường vẫn chưa được ngăn chặn… Thực tế đó vừa đặt ra tính bức xúc, sự cần thiết vì sao phải xây dựng văn hóa học đường, đồng thời cũng nói lên rằng đây là vấn đề có nhiều khó khăn và thách thức.

Mái trường xưa nay luôn được coi là mái nhà thứ hai, nơi nuôi dưỡng và chắp cánh những ước mơ, nơi mà với rất nhiều người nó được coi là một phần ký ức tươi đẹp, rực rỡ nhất trong cuộc đời. Nhưng hiện nay các giá trị đạo lý truyền thống như “tôn sư trọng đạo”, “hiếu học trọng thầy”, “tiên học lễ hậu học văn” liệu có được nâng niu giữ gìn hay đã bị mai một xuống cấp khiến môi trường học đường tiềm ẩn nguy cơ xấu một cách báo động?

Một thực trạng đáng buồn là những tấm gương vượt khó học giỏi, người tốt việc tốt chưa hoặc không được nhiều học sinh quan tâm nữa. Học sinh ngày nay “thần tượng” các “giang hồ mạng” một cách cuồng nhiệt: Bắt chước nhuộm tóc, đeo khuyên tai, ăn mặc bụi bặm và “nhiễm” các hiện tượng mạng đó như một trào lưu. Vấn đề này trở thành mối lo ngại đối với ngành giáo dục và của xã hội. Hãy thử tưởng tượng đến một ngày nào đó con em mình xuất hiện trong một clip lan truyền trên mạng với một vụ đánh lộn hội đồng hay bị bắt nạt, ăn hiếp, đe dọa thì phụ huynh sẽ cảm thấy như thế nào?...

Sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh việc giúp học sinh mở mang tri thức nhân loại thì mặt trái của nó cũng đang gây ra những hệ lụy không nhỏ. Những “vi rút văn hóa” xấu, độc từ khắp nơi xâm nhập vào học đường chưa bao giờ lan truyền nhanh chóng và dễ dàng đến thế.

Cuộc sống hiện đại, cha mẹ bận rộn nên ít có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Nhiều đứa trẻ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng được tự do và bị buông lỏng từ bé. Một số gia đình lại có xu hướng phó mặc hoàn toàn việc giáo dục con em mình cho nhà trường với tâm lý “trăm sự nhờ thầy”. Mặt khác, sự “dân chủ quá đà” từ phụ huynh và báo chí nhiều khi đẩy vụ việc giáo dục học sinh của thầy cô giáo đi quá xa dẫn tới tâm lý e dè ngại va chạm của thầy cô, nên việc giáo dục học sinh trở nên khó khăn vì nó trở thành vấn đề nhạy cảm.

Để xây dựng văn hóa học đường, cần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền giáo dục với tư tưởng phát triển con người toàn diện và thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc đối với học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội trong trường học. Tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ trong giáo dục đạo đức, lối sống cho cháu con. Phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, nền nếp” ở các địa phương. Đồng thời chú trọng việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị lịch sử văn hóa địa phương và phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên.

Năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước bàn về vấn đề văn hóa học đường. Đây được xem là động thái kiến tạo, nâng tầm nhận thức về văn hóa học đường trong hệ thống chính trị và ngành giáo dục. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận giành 2 HCV tại giải Cờ vua miền Trung - Tây nguyên
Sau 5 ngày thi đấu sôi nổi (31/8 - 4/9), chiều 4/9, giải Cờ vua miền Trung - Tây nguyên lần thứ III năm 2022 diễn ra tại thành phố Đà Lạt (Lâm đồng) đã khép lại với nhiều huy chương được trao cho các đoàn, trong đó Đoàn Cờ vua Bình Thuận đã xuất sắc giành 2 HCV, 1 HCB và 6 HCĐ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn về xây dựng văn hóa học đường