Theo dõi trên

Nhớ điệu “xàng xê”

05/09/2022, 06:02 - Lượt đọc: 1,380

Nếu như vô tình bất chợt nghe tiếng nỉ non, trầm bổng từ đâu vọng lại. Thanh âm réo rắc dễ chừng làm người ta vơi đi nỗi buồn hiện hữu. Tiếng đờn kìm, tiếng ghi ta phím lõm được chắt chiu theo cung bậc “Hò, xự, xang, xê…”, dễ chừng làm khách tri âm xốn xang, nhớ người tri kỷ, nhớ về loại hình nghệ thuật dân tộc đang dần phai nhạt…

Tiếng lòng ở cung đàn

unnamed-13.jpg

Festival “Đờn ca tài tử”, rồi đến “Liên hoan Tiếng hát miền Đông”… đâu đó, khách tri âm mặc định mình vào giữa những làn điệu văn hóa dân gian truyền thống. Nào đâu chỉ có Nam bộ, khi mảnh đất cực Nam Trung bộ, cũng chẳng thể nào khước từ bộ môn nghệ thuật thuần túy, dân dã này.

Ở Liên hoan “Tiếng hát miền Đông”, một tiết mục hòa đờn với tiếng đàn tranh (Duy Hải), đàn cò (Châu Thọ), tiếng ghi ta phím lõm đãn dắt của tài tử Châu Minh Tâm, tiếng đàn bầu của Lâm Bá Thành, tiếng đờn kìm của Phước Thiện (19 tuổi) đã mang chiếc huy chương vàng về cho Bình Thuận. Hiếm hoi, khi tiết mục hòa đờn ấy gồm nhiều thế hệ, lần đầu tiên được kết nối, đã có thể vượt qua được những “cây đa cây đề” lừng lẫy. “Đây là lần đầu tiên em tham gia vào hoạt động của địa phương. Bản thân em, là người con xa quê, sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Hơn lúc nào hết em mong muốn phong trào phát triển, muốn được đóng góp để đờn ca tài tử phát triển hơn. Nói đến đờn ca tài tử, Bình Thuận cũng là vùng đất tiềm năng, nhiều CLB, hội nhóm, nhưng tiếc là sự kết nối còn thưa thớt” – tài tử Châu Minh Tâm, người con của vùng đất Tuy Phong nói. Cậu bé 16 tuổi một mình vào TP. Hồ Chí Minh với ước mơ chạm vào những nhạc cụ dân tộc. Châu Minh Tâm mất 4 năm với ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc, chuyên ngành ghi ta phím lõm và 4 năm kế tiếp với chuyên ngành đàn nguyệt (hay còn gọi đàn kìm). Giờ là giảng viên giảng dạy cho Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

unnamed-10.jpg
Tài tử trẻ Châu Minh tâm (bên phải)

Bình Thuận – mảnh đất ấy, chẳng phải cội nguồn của “Đờn ca tài tử” (ĐCTT). Nhưng chính mảnh đất ấy, đã dung nạp rất nhiều con người yêu nhịp đàn, yêu những thổn thức của thân phận con người trong đời sống lao động, yêu vốn quý của dân tộc nên đâu đó, khắp những xóm lao động nghèo vẫn len lỏi tiếng đờn ca. Và cũng chính hành trình dung nạp của nhiều mảng màu văn hóa ấy, mà đờn ca tài tử Nam bộ có vai trò vô cùng đặc biệt và góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

0.jpeg
các tài tử trẻ Phước Thiện, Châu Minh Tâm, Lâm Bá Thành (từ trai qua)

Không ai phủ nhận ĐCTT là loại hình âm nhạc truyền thống vùng sông nước - một loại nhạc kén người nghe đã, đang và mãi ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. Nhưng, hễ ở đâu, khi tiếng đờn rao lên thì tiếng ca được cất lên từ các sân khấu rực rỡ, trong các lễ hội linh đình, trang trọng đến những không gian dân dã, thân thuộc một cách rất ngẫu hứng. Tiếng đàn thể hiện tính cách, tâm tư của con người và thấm sâu vào cốt cách người nông dân chẳng riêng gì người Nam bộ như một điều tất yếu.

unnamed-11.jpg

Đờn ca vào trường học?

Trước bối cảnh đờn ca tài tử thiếu đi thế hệ tiếp nối, trẻ hóa. Một số nơi như TP.HCM đã mạnh dạn thử nghiệm và đưa Đề án đưa ĐCTT vào trường học đã được đưa ra và thí điểm tại một số trường tiểu học và trung học tại TP.HCM. Trong một lần trao đổi với báo chí, Tiến sĩ văn hóa dân gian Mai Mỹ Duyên cho biết: “Chúng ta vinh dự được UNESCO công nhận ca trù, quan họ, dân ca ví giặm, ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, không phải giới trẻ thờ ơ, quay lưng với âm nhạc dân tộc mà vấn đề là họ thích, họ muốn học bài bản nhưng lại không biết đến nơi nào để học và không có sân chơi để tham gia. Vì vậy mà những nỗ lực phát huy giá trị di sản của những nhà văn hóa hiện nay là rất cần thiết. Phải đem sự hiểu biết của mình truyền lửa cho giới trẻ. Từ sự hiểu biết đó mới khơi gợi niềm đam mê trong họ”.

unnamed-12.jpg
tiết mục vọng cổ nhịp 16 do tài tử Hà Thu thể hiện

Ở Bình Thuận nói đến ĐCTT, chỉ gói gọn những cái tên quen thuộc có thể kể: NNƯT Đặng Long, NNƯT Phú Cường, NNƯT Bảy Đờn, NNƯT Nguyễn Văn Vương, NNƯT Tám Thọ. Đặc biệt, NNƯT Lương Hồng Huệ, ở Phan Thiết, được phong tặng năm 35 tuổi, thuộc lứa NNƯT trẻ nhất nước (năm 2019); cùng tài tử ca Hà Thu; tài tử ca Ánh Tuyết ở Phan Thiết... May mắn hơn trong năm 2022, qua sự kết nối của tài tử Hà Thu đã có thêm gương mặt tài năng của vùng đất Bình Thuận, tài tử Châu Minh Tâm, bên cạnh Phước Thiện, Lâm Bá Thành như một làn gió mới trẻ trung và mang tính học thuật trong ĐCTT, nâng giá trị nghệ thuật của ĐCTT có vị trí lên mới.

unnamed-9.jpg
Tài tử Hà Thu

Lâu nay, vẫn cứ một câu hỏi, làm thế nào để giới trẻ yêu cái vốn quý của văn hóa dân tộc, truyền lửa cho thế hệ trẻ có thể tiếp bước. Câu hỏi lớn của các nhà quản lý văn hóa. Nếu có thể, hãy cứ mạnh dạn thử nghiệm để thế hệ trẻ, các bạn nhỏ có thể chạm vào cảm xúc của mình bằng cách yêu văn hóa Việt qua sự cảm nhận nét đẹp sâu sắc của loại hình ca cổ, mạnh dạn đưa ĐCTT vào trường học, biết đâu các bạn trẻ thích thú với loại hình, trước khi quá trễ.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mang "Nhịp sống trẻ" phục vụ công chúng
Tối 2/9, trong không khí hưởng ứng chào mừng 77 ngày năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2022), Trung tâm Văn hóa Bình Thuận đã xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật đường phố từ 2-4/9 mang chủ đề “Nhịp sống trẻ” để phục vụ công chúng. Chương trình được xây dựng với những tiết mục trẻ trung tươi mới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ điệu “xàng xê”