Theo dõi trên

Bâng khuâng nỗi nhớ!

16/06/2023, 09:15

Dù tôi đã không còn được trẻ, nhưng mỗi năm đến hè lòng tôi cũng man mác buồn. Và cũng thường bâng khuâng nỗi nhớ! Nhớ một thời cắp sách đến trường, nhớ những tà áo dài trắng, nhớ những buổi mai vội vàng vì tiếng trống trường, nhớ gói xôi chưa kịp ăn, nhét trong cặp, chờ đến giờ ra chơi! Nhớ những cây phượng trổ hoa đỏ rực, và sân trường đầy nắng…

Làm sao mà quên được mùa hè đã đi qua biết bao năm tháng? Và cuộc đời đã đi qua biết bao mùa hè có vui, có buồn. Mùa hè của tôi - những ngày xa xưa ấy - một vùng kỷ niệm ngút ngàn, mồ hôi rịn trán, mắt nổi đom đóm vì chói chang nắng, đó là mùa hè của râm vang tiếng ve, của tròn xoe hoa phượng đỏ thắm, của những ngọn gió mang hơi nóng từ một miền xa tắp nào đó như hơ cây cỏ, như hâm không khí, bầu trời như thấp xuống mang những đám mây xám xịt trôi nặng trịch trên đầu. Những hạt bụi đường khô hơn, một chút gió nhẹ cũng phát tán trong không khí, và trọng lượng thân thể chúng ta cũng nhẹ hơn vì khô nước!

hoa-phuong.jpg

  Có những bài hát viết về hè, đã từng đi qua trong chiến tranh, nay hòa bình rồi, ít có ai nhắc tới, dù cho nhạc hè trong chiến tranh hay nhạc hè trong hòa bình đều giống nhau, chỉ khác nhau trong cách nghĩ. Nhạc hè cũ là những bài hát trong trắng tươi vui, nó không dành riêng cho những ai còn cắp sách đến trường, mà dành cho tất cả mọi người, vì mấy ai trong đời mà không có một lần cắp sách đến trường?

Một bài hát mang thông điệp của hè, đã làm thổn thức biết bao con tim:  

“… Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Ngày mai xa cách hai đưa hai nơi/ Phút gần gũi nhau mất rồi/ Tạ từ là hết người ơi/ Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng/ Biết ai còn nhớ đến ân tình không…”. (Bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn – Lê Dinh).

Bài hát này, tác giả đã viết đúng tâm trạng những lứa học sinh thập niên 50-70 của thế kỷ trước. Mùa hè thời tiết khắc nghiệt nhất trong bốn mùa, nhưng mùa hè cũng là mùa rực rỡ và tươi đẹp (theo cách nói của những văn nghệ sĩ), nên có rất nhiều tranh ảnh, thơ văn diễn tả mùa hè. Đặc biệt, âm nhạc viết về mùa hè rất phong phú về ca từ, đa dạng về thể loại, đã làm say mê hàng triệu khán thính giả, trong đó có sinh viên, học sinh.

Mùa hè dành cho tất cả mọi người chớ không riêng gì những ai còn cắp sách đến trường. Đó là kỳ nghỉ hè của một năm, dài ngắn tùy theo tập tục của mỗi đất nước và hoàn cảnh của mỗi người, và... người Sài Gòn bỗng một ngày nào đó thấy học trò chộn rộn kỳ thi cuối cấp, các trường đại học chuẩn bị tuyển sinh, phượng Sài Gòn lác đác trổ hoa, trời hầm hập nóng, nóng xốn xang, nóng như có ai hơ lửa, và những cơn mưa thình lình không kịp tháo giày, mặc áo mưa... thì biết hè về!

“… Rồi chiều nay hè trở về đây/ Phượng thắm ơi! Phượng thắm rơi đầy/ Lại cách xa nhau chín mươi ngày/ Hay là một thế kỷ dài/ Mà lòng ai đang khóc ai/ Một ngày nào mình mới gặp nhau/ Phượng đã phai ve trắng ru sầu…” (Bài hát “Mùa chia tay” của Duy-Khánh).

  Thời tôi đi học sao nó... nhẹ tênh (cả sách vở và tâm hồn!). Mỗi năm đến hè lòng chúng ta man mác buồn vì phải xa thầy cô, xa bạn bè...

Làm sao mà quên được những bài hát viết về hè, về thời học sinh của chúng ta? Đẹp, lãng mạn, thơ ngây, trong trắng, tin yêu: Trên đầu có nắng hè, dưới chân có hoa phượng rụng, bên tai có tiếng ve, đôi mắt buồn nhìn hè đến, hè có một màu sắc rất riêng, đó là màu của chia tay, màu của tạm biệt, màu của xa và gần:

“… Ngày đôi ta quen nhau tuổi còn thơ/ Đi học chung cùng giờ/ Nhặt hoa đem cho nhau ghim vào thơ/ Đếm đầu tay mà chờ/ Thời gian qua trôi mau không ngừng đâu/ Mỗi mùa hoa phượng đầu/ Tiếng ve kêu gợi sầu/ Phút chia tay rầu rầu/ Tiếc thương riêng mình biết/ Hoặc tìm trong mắt nhau…” (Bài hát “Kỷ niệm nào buồn” của Hoài-An).

Những năm tháng xa xưa ấy, ba tháng hè tôi “dẹp sách vở qua một bên”, (thường thì gia đình cho chơi thả cửa) rủ nhau câu cá, thả diều, đá banh, nếu có điều kiện thì lên núi, xuống biển... Vậy mà khi tựu trường vào năm học mới, đứa nào làm bài cũng được thầy cô khen... Good... Bon... thế mới là lạ!

Bây giờ, mỗi năm đến hè, học sinh làm gì? Phải chăng học sinh bây giờ mỗi năm đến hè lòng cũng “man mác buồn” nhưng cái buồn không giống chúng ta, buồn vì phải học hè! Ôi, nếu thế thì còn đâu là kỳ nghỉ hè đúng nghĩa dành cho học sinh, tiếc nhỉ!

Biết bao mùa hè đã đi qua trong tôi, dù không còn cắp sách đến trường, nhưng mỗi năm hè lòng tôi bỗng bâng khuâng nỗi nhớ!

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Thành lập BTC giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia – 2023
BTO-Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) vừa có quyết định thành lập Ban Tổ chức giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023, tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 22 – 26/6/2023 gồm 11 thành viên.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bâng khuâng nỗi nhớ!