Theo dõi trên

Bao giờ cho đến tháng mười ?

20/10/2023, 05:53

“Bao giờ cho đến tháng mười” là tựa đề bộ phim truyện tâm lý xã hội nổi tiếng của Việt Nam, nghệ sĩ Đặng Nhật Minh làm đạo diễn, ra mắt lần đầu năm 1984, là 1 trong số 18 bộ phim châu Á được mệnh danh “Xuất sắc mọi thời đại”, do CNN bình chọn.

Trên mạng xã hội, một nhà báo, nhà văn sáng tác truyện ngắn vui “Bao giờ cho đến tháng mười” đã trào lộng, tếu táo chuyện “Ra lò” cử nhân báo chí hệ chính quy đầu tiên của báo chí Việt Nam.

screenshot_1697727314.png

“Bao giờ cho đến tháng mười” theo truyện ngắn vui: Tháng 10/1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cuối, cả nước chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lớp cử nhân đào tạo chính quy khóa 1 xuất xưởng. Nhiều phóng viên – cử nhân báo chí ngày ấy theo các quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phòng Sài Gòn, chứng kiến sự đầu hàng vô điều kiện của đối phương. Nửa thế kỷ, mọi người đều lên chức ông bà, nhiều nhà báo, nhà quản lý thành danh, tên tuổi với nghề.

Tháng 10/2023, các phóng viên – cử nhân xung trận 50 năm trước, nay đã là các “Lão báo” khắp mọi miền trở về mái trường xưa ở Hà Nội họp mặt mừng đời ký giả. Nhà báo Trần Bá Lạn, trưởng khoa báo chí ngày ấy, tuổi 94, dáng đi nhanh nhẹn như ngày nào, mang đến thùng sách “Nghĩa nặng tình sâu” tặng các trò:

- Cuộc hội khóa 50 năm ra trường này thật hiếm, thật quý, khi sự nghiệp báo chí của họ đã thành danh, được xã hội ghi nhận. Các “lão” báo từ nơi xa về họp mặt, hân hoan vui như trẩy hội.

Không ai bảo ai, cũng không có quy định nào được phát ra, nhưng các lão bà chọn mặc những bộ áo dài đẹp nhất; các lão ông vận com lê, áo ký giả, vai khoác đồ nghề như máy ảnh, máy quay phim thuở nào để chụp ảnh lưu niệm, mừng hội ngộ. Mái tóc bạc trắng, tay chống gậy, có cả đi xe lăn nhưng các lão vẫn réo gọi mày tao, các biệt hiệu thời đi học ầm ĩ, vang rộn góc sân trường.

“Lão” bà Cúc Hương quên ăn quên ngủ tổng động viên cả nhà, các con cháu dày công làm tập sách ảnh lưu niệm “Ước muốn thời gian trở lại” tặng các đồng nghiệp già. Hình ảnh từng người - hiện lên thời trẻ và thời lão đan xen nhau sống động. Sách ảnh in màu của Cúc Hương vượt lũ tháng 10 miền Trung, kịp ra Hà Nội hội khóa. “Lão” bà họ Tô vốn là A trưởng Thanh niên xung phong trên các tọa độ lửa Đông – Tây Trường Sơn huy động sức mạnh tổng lực làm clip ảnh màu kỷ niệm và trình chiếu tại buổi họp mặt. Con trai MN gửi cho các chú các bác xin thêm ý kiến chỉnh sửa, con gái MH thuê mượn máy chiếu cho mẹ, gái út MP sẽ là kỹ thuật viên đưa clip hình rộng, đúng giờ khai mạc họp mặt 50 năm.

Lão báo Ngọc Đản, tác giả của những bộ ảnh lịch sử quý giá ngày đại thắng 30/4/1975 hồ hỡi gọi bạn:

- Các ông các bà tới đây ta làm kiểu ảnh tóc bạc, da mồi.

Nhiếp ảnh gia Trần Hồng, tác giả của 300 bức ảnh đời thường Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, từ cổng trường ào tới, giơ cao chiếc máy ảnh:

- Các lão gia trật tự, cười tươi, dịch sát vào nhau ta chụp ảnh cho nào!

Vậy là chụp ảnh, là quay phim, chuyện trò, đùa giỡn như không có điểm dừng: “Mày có mấy cháu”, “Lão kia đã lên cụ cố, 3 chắt rồi đấy”, “Ngày ấy nhà trường cấm yêu mà mày vẫn yêu trộm con T. say như điếu đổ, nay cho hun cấy đi”, “Cánh tao bon xe đạp từ Hà Tây về Nghệ, 3 ngày đêm, ngon ơ!”.

Tháng 10/1969, trường Đảng tuyển chọn đầu vào 300 sinh viên học báo chí - xuất bản. Tháng 10/1973 ra trường, rồi đi chiến trường, tỏa về các cơ quan báo chí – xuất bản cả nước. Hơn 50 nhà báo, nhà biên tập đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận và qua đời do tuổi cao, bệnh trọng. Gần chục bạn ra trận dũng mạnh trở về mà nay lại lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ. Gặp mặt, đại diện ban liên lạc dõng dạc hô nghiêm, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các đồng môn đã hy sinh, về chốn vĩnh hằng. Tiếng nhạc hồn tử sĩ trầm hùng cất lên. Bầu không khí như chùng xuống, có những giọt nước mắt rơi!

Các lão ông, lão bà lên sân khấu ca hát, diễn ngâm những bài thơ hay đời sinh viên. Đồng nghiệp Tầm Xuân – Vũ Đạt, Ngọc Đản, Bùi Việt, Hữu Quế, Vũ Hương, Tô Hà… mở tiệc rượu, tiệc trà đãi bạn họp mặt “Nửa thế kỷ”. Tuổi trẻ có niềm vui của tuổi trẻ. Tuổi già có sự hào sảng của tuổi già. Tình yêu thương đồng nghiệp chắp cánh cùng năm tháng: Sống đẹp, sống vui, sống tử tế cho đời.

Bao giờ cho đến tháng mười, bạn ơi…

ÚT MŨI NÉ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giải Bóng đá nữ học sinh, sinh viên mở rộng
Trường Đại học Phan Thiết vừa tổ chức lễ khai mạc Giải Bóng đá nữ học sinh, sinh viên mở rộng - năm 2023, đây là hoạt động nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Buổi khai mạc có PGS.TS. Đinh Phi Hổ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các trường THPT trong địa bàn tỉnh; cùng cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Phan Thiết.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ cho đến tháng mười ?