Thực tế cho thấy, nhiều ngư dân chỉ mua bảo hiểm để đủ điều kiện vươn khơi, chứ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc có bảo hiểm. Đây sẽ là “chiếc phao” hỗ trợ cho họ những lúc gặp tai nạn như trường hợp của ông Toàn và các ngư dân. Nếu chuyến tàu sinh tử ấy có bảo hiểm, thì cuộc sống của những con người ấy sẽ vơi bớt nỗi đau và gánh nặng...
Lỗi tại thờ ơ?
Những năm gần đây, trước tình trạng phức tạp của thời tiết, ngày càng có nhiều vụ tai nạn tàu thuyền trong lúc đi biển. Chưa kể, giá xăng dầu tăng cao, ngư trường cạn kiệt, đặc biệt là lao động biển ngày càng khan hiếm. Do đó, để chuyến biển vươn khơi thành công cần rất nhiều yếu tố, nhất là yếu tố con người. Đó cũng là lý do tại sao danh sách thuyền viên luôn có sự biến động liên tục và việc chủ tàu không mua bảo hiểm cho thuyền viên cũng rất khó kiểm soát. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên khu vực biên giới vùng biển của tỉnh đã xảy ra 55 vụ/56 người/23 phương tiện gặp tai nạn, sự cố. Hậu quả làm 45 người chết, 9 người mất tích; chìm 14 tàu cá, 8 tàu cá bị sự cố, 1 tàu cá mất tích. Qua đó cho thấy, số lao động bỏ mạng ở biển khơi không phải là con số nhỏ. Vì thế, những năm gần đây chính quyền các địa phương ven biển cũng như Hội Nghề cá tỉnh luôn vận động bà con mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên và bảo hiểm thân tàu. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn còn thờ ơ với chính sách này.
Sau sự cố chìm tàu khiến 6 người tử vong, vào tháng 8/2022, Bộ NN&PTNT ban hành công văn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tàu cá khi rời cảng/xuất bến đi hoạt động trên biển. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên theo chuyến biển. Đặc biệt, yêu cầu chủ tàu cá phải mua bảo hiểm cho thuyền viên và lao động trên tàu cá... Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để tàu cá xuất bến. Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà tàu của ông Bùi Văn Toàn lại được vươn khơi và đã xảy ra sự cố đáng tiếc vào tháng 7/2022 vừa qua làm 6 ngư dân mất mạng. Khi hỏi đến vấn đề này, chủ tàu cho biết: “Do mình sơ suất không để ý giấy tờ hết hạn và việc mua bảo hiểm tôi giao cho người em đi làm, nên không kiểm tra. Tôi cũng tính sau chuyến biển này sẽ trích tiền lời để mua bảo hiểm cho 16 lao động trên tàu, nhưng không may tàu gặp sự cố dẫn đến sự việc tang thương, tôi cũng rất hối tiếc về việc này”.
Cần siết chặt tàu thuyền ra khơi
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện nay, Chính phủ có 2 chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân. Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tàu cá có hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa sẽ được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm thân tàu và 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Và theo Nghị định 67, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên với các mức như sau: Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất từ 400 CV trở lên. Đây là những chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ ngư dân kịp thời khắc phục rủi ro khi có tai nạn xảy ra, tiếp tục vươn khơi bám biển, phát triển sản xuất”.
Ông Huy cho biết thêm: “Trong khi người dân chưa tự ý thức được tầm quan trọng của các loại bảo hiểm này thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho ngư dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền ở các cảng cá cần có quy chế phối hợp, siết chặt việc tàu thuyền ra khơi nhưng chưa đủ điều kiện. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cần có những chính sách hỗ trợ khác cho ngư dân như bán bảo hiểm theo gói, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận loại bảo hiểm quan trọng này. Có như vậy, mới góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn lên làm giàu bằng nghề cá và giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương. Nếu chủ tàu chưa mua bảo hiểm thuyền viên, thì mỗi lao động biển nên chủ động mua cho mình vì bảo hiểm này khá rẻ, sẽ phần nào giúp ngư dân an tâm hơn trong mỗi chuyến biển”.
Qua vụ chìm tàu trên cho thấy, giá như chủ tàu quan tâm đến thời hạn của bảo hiểm, giá như các thuyền viên chủ động mua bảo hiểm thân thể cho mình trước khi vươn khơi, giá như các cơ quan chức năng siết chặt các thủ tục xuất bến, thì câu chuyện đã khác đi và 6 gia đình có người mất sẽ nguôi ngoai phần nào, bởi dù sao họ cũng có “phao cứu sinh”.
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định chi hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định số 48/TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền là gần 920 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển cho 6.281 lượt tàu cá/12.110 chuyến biển với tổng số tiền là hơn 881 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho gần 3.000 lượt tàu cá tham gia hoạt động trên vùng biển xa với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 22 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho hơn 20.000 lượt thuyền viên với tổng kinh phí là hơn 4,6 tỷ đồng…