Theo dõi trên

Bảo hiểm tàu cá và câu chuyện… giá như!. Bài 1

13/10/2022, 21:45

Bài 1: Nỗi đau người ở lại

6 ngư dân cùng con tàu trị giá hàng tỷ đồng đã nằm lại dưới biển sâu. Tưởng rằng, thời gian sẽ giúp những người ở lại xoa dịu nỗi đau mất mát tài sản lẫn tinh thần, nhưng hơn 3 tháng trôi qua từ vụ chìm tàu, “sóng ngầm” vẫn cuồn cuộn giữa những người ở lại, nỗi đau của 6 gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai bởi 2 từ: “Giá như”…

Dai dẳng nỗi đau

Đã hơn 3 tháng trôi qua, kể từ ngày tàu cá BTh 97478 TS bị chìm trên biển vào ngày 10/7/2022. 6 thuyền viên mãi mãi nằm lại biển xa sau chuyến biển sinh tử. Họ là những người đàn ông trụ cột, lao động chính trong gia đình. Mất mát, đau thương có lẽ còn dai dẳng mãi về sau. Người đi, để lại cho gia đình nỗi thương xót khôn nguôi. Kèm theo đó còn là gánh nặng cơm áo, gạo tiền, chi phí nuôi con cái ăn học trong chặng đường dài sắp tới.

z3792917266700_c5dbf19ba6b0fb116e93c7df50701634.jpg
Bà Nguyễn Thị Hạnh xúc động khi nhớ về chồng đã mất.

Chúng tôi trở lại xóm biển Văn Thánh (phường Phú Tài - TP. Phan Thiết) vào trung tuần tháng 10. Câu chuyện về những ngư dân trong chuyến biển xấu số ấy vẫn chưa lắng lại. Sau biến cố, mỗi gia đình, mỗi con người đều phải tự vượt qua nỗi đau. An ủi thay, khi thời điểm này, 3 trong số 6 gia đình có người bị mất trong chuyến biển ấy, vì cuộc sống quá khó khăn, không có nhà ở, nên đã được Hội Nghề cá tỉnh đứng ra vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ xây nhà mới. Bà Nguyễn Thị Cang, vợ ông Nguyễn Văn Hạ (nạn nhân vụ chìm tàu) là một trong những hộ gia đình được giúp đỡ ấy vô cùng xúc động. Nhìn ngôi nhà nhỏ đang dần được hình thành, bà Cang không giấu được cảm xúc, vui mừng về căn nhà đầu tiên có được khi tuổi đời không còn trẻ.

z3792925583014_79ca49cd782009554c9b69a72e97a05e.jpg
Chị Tạ Thị Thúy Anh cũng bày tỏ bức xúc.

Trong căn nhà nhỏ ở xóm biển, chúng tôi gặp gỡ bà Nguyễn Thị Hạnh - vợ nạn nhân Phan Tám (khu phố 3, phường Phú Tài). Phòng khách vẫn nghi ngút khói nhang để tưởng nhớ về người đã khuất. Bức ảnh chụp cả gia đình đang vui cười, hạnh phúc bên nhau, giờ như một kỷ niệm. Hàng ngày bà Hạnh dậy từ 3 giờ rưỡi sáng, chuẩn bị đồ bán ăn sáng trước cửa nhà. Đã 3 tháng trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến chồng, bà Hạnh lại ngập ngụa nước mắt.

Bà Hạnh kể: Chồng bà và các ngư dân khác đi làm nghề biển cho vợ chồng ông Toàn (chủ tàu) từ năm 2019 đến nay, cứ mỗi chuyến biển từ 1- 2 tháng. Bởi nghề đánh bắt xa bờ, nên thường chủ tàu sẽ rút khoản tiền phí tổn để đóng tiền bảo hiểm tính mạng cho mỗi bạn thuyền hàng năm. Sau chuyến biển (21/6) tàu đã bán cá cho tàu thu mua ở Tiền Giang với trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn, còn lại là số tiền chia cho các thuyền viên. Tuy nhiên, khi đang trên đường vào bờ thì bị sự cố chìm tàu, chỉ có 9 người được cứu sống, còn 6 người thiệt mạng. Theo bà Hạnh, chủ tàu đã không thực hiện việc mua bảo hiểm thân thể cho các thuyền viên trước khi lên tàu. Do đó, khi xảy ra sự việc đáng tiếc, gia đình nạn nhân không được hưởng bất kỳ khoản bảo hiểm nào. Chị Tạ Thị Thúy Anh (vợ nạn nhân Nguyễn Thành Lương) ở khu phố 4 - Phú Tài cũng bày tỏ bức xúc. Chị Anh cho rằng, phía chủ tàu cần phải có lời thăm hỏi, động viên và trách nhiệm chia tiền chuyến biển vừa rồi, bồi thường cho gia đình các nạn nhân sớm nhất. Bởi vì chủ tàu không mua bảo hiểm cho họ dẫn đến khi xảy ra sự việc, thì mọi việc đã muộn màng.

z3792906224737_b36b9c55b22331b80ac897d3d0e46fa9.jpg
Chủ tàu Bùi Văn Toàn đã tính toán chi phí chuyến biển.

Chủ tàu lý giải

Là 1 trong số 9 ngư dân may mắn sống sót trở về sau chuyến biển ấy, ông Bùi Văn Toàn, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng tàu cá BTh 97478 TS hiện tại cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn chưa được tháo gỡ. Toàn bộ giá trị tài sản con tàu trên 2 tỷ đồng và 6 ngư dân nằm lại biển khơi. Đáng buồn thêm, trong chuyến biển này, ông Toàn chưa kịp đóng bảo hiểm thân tàu và cũng chưa mua bảo hiểm thuyền viên cho các ngư dân. Đây có lẽ là điều hối hận nhất lúc này của người chủ tàu có hàng chục năm kinh nghiệm trên biển như ông.

Chúng tôi gặp lại ông Toàn sau hơn 3 tháng gặp nạn. Nhờ tích cực điều trị, nay sức khỏe của ông có hồi phục dần nhưng vẫn chưa thể tiếp tục ra khơi. Dù may mắn được trở về, nhưng nỗi day dứt của người chủ tàu vẫn còn đó. Các gia đình của 6 ngư dân thiệt mạng, vì đau khổ, mong muốn công bằng nên đã cùng nhau đâm đơn kiện vợ chồng ông Toàn ra Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết. Họ cho rằng, chủ tàu phải chia tiền chuyến biển cuối cùng cho các thuyền viên (cho các gia đình nạn nhân đã thiệt mạng) và chịu trách nhiệm bồi thường tiền bảo hiểm tính mạng của các ngư dân (bảo hiểm này chủ phương tiện bắt buộc phải đóng). Theo ghi nhận, hiện tại đơn kiện của các gia đình ngư dân này chưa được Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết tiếp nhận, vì lý do cần có chứng cứ cụ thể.

Lý giải về vụ việc này, chủ tàu Bùi Văn Toàn thừa nhận, trong chuyến biển cuối cùng trước khi tàu chìm, tiền bán hải sản được 760 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn, tổng thu từ chuyến biển còn hơn 330 triệu đồng. Ông Toàn nhẩm tính, dự kiến mỗi thuyền viên sẽ được nhận gần 5,7 triệu đồng. Tuy nhiên, do gặp sự cố chìm tàu, sức khỏe còn yếu nên đến nay ông chưa kịp tính toán tiền bạc để chia và giải thích cụ thể với gia đình các thuyền viên. Thời điểm hiện tại, do thân nhân các ngư dân đang có đơn kiện, nên ông Toàn cho biết, đành gác lại việc này, chờ cơ quan chức năng giải quyết.

Sự vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS vào tháng 7/2022 từng thu hút sự quan tâm của cả nước. Hành trình trở về kỳ diệu của 9 thuyền viên sau 12 ngày lênh đênh trên biển cũng trở thành câu chuyện đáng nhắc đến. Sau chuyến biển dữ ấy, người còn, người mất nhưng đều để lại nỗi đau khôn nguôi. Thân nhân các ngư dân thiệt mạng phải chịu sự mất mát, đau thương khi không còn trụ cột gia đình và khó khăn chồng chất phía trước. Về chủ tàu, dù may mắn được trở về, nhưng lại thiệt hại nặng về tài sản, cộng với trách nhiệm và nỗi day dứt vì những mất mát về những bạn thuyền và thân nhân của họ. Một lần nữa, tờ giấy bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm thuyền viên tưởng chừng là chỉ thủ tục đối phó, nhưng giờ đây người trong cuộc chỉ biết thốt lên từ… giá như?

Tại khoản 4 Điều 38 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có quy định: Đối với hành vi không mua bảo hiểm cho thuyền viên tàu cá bị xử phạt từ 5 – 20 triệu đồng đối với chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên từ 3 - 10 thuyền viên trở lên làm việc trên tàu.

K.HẰNG - M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân vụ chìm tàu
Chiều nay (22/7), bà Bố Thị Xuân Linh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng ông Kim Đê- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện các cơ quan, đoàn thể tại địa phương đã đến phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) thăm các hộ gia đình trong vụ tàu cá chìm trên biển ngày 10/7.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm tàu cá và câu chuyện… giá như!. Bài 1