Hơn 30 năm công tác, từ khi còn là Phòng Nghiệp vụ bảo tàng trực thuộc Ty Văn hóa thông tin Thuận Hải (cũ), ông Đặng Văn Thông cùng cán bộ, nhân viên trong ngành đã xuôi ngược đến từng xã, thôn xóm trong tỉnh để thu thập hiện vật. “Những năm 80, đạp xe từ Phan Thiết lên Đa Kai (Đức Linh) mà không biết mệt, ròng rã 1 ngày mới đến nơi mà người dân điện báo. Các hiện vật lúc đó nằm trong một rừng cà phê với nhiều loại rìu, công cụ, nhạc cụ bằng đá, rất thô sơ nhưng vô cùng giá trị với niên đại 3.000 năm”.
Cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Bình Thuận. |
Số lượng hiện vật lớn, tồn tại rất lâu năm khiến công tác bảo tồn phải được thực hiện chi tiết và kỹ lưỡng. Ngoài việc lau chùi, quét dọn duy trì thường xuyên, thì hàng tháng, bảo tàng phối hợp đơn vị tư nhân tổ chức phun, khử hóa chất bảo quản. Các hiện vật dễ bị nấm mốc, hư hại như chất liệu giấy, vải… càng phải chăm chút thường xuyên hơn.
Số lượng hiện vật, cổ vật lưu giữ nhiều, nhưng điều mà ông Thông và tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng Bình Thuận hiện đang trăn trở là việc trưng bày. Diện tích phân khu này trong bảo tàng hiện chỉ có 400 m2, trưng bày 1.500 hiện vật, được chia làm 7 chuyên đề gồm văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đa Kai, văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa Việt, sưu tập cổ vật tàu đắm ở vùng biển Bình Thuận, Cà Mau và trưng bày ngoài trời. Số lượng hiện vật trưng bày rất nhỏ nếu so với 57.000 hiện vật mà bảo tàng đang trực tiếp quản lý, bảo tồn. Cũng vì thế nhiều chuyên đề cổ vật khác được nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng sưu tập không đến được với công chúng như chuyên đề về lịch sử đấu tranh chống thực dân và đế quốc (ước tính hơn 3.000 hiện vật), các vật thể kích cỡ lớn như xe trâu, xe bò… mang nhiều giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc cũng chưa có chỗ để trưng bày mà cất giữ trong các kho có tổng diện tích 2.800 m2.
Không dừng lại ở việc lưu trữ hiện vật, cổ vật, Bảo tàng Bình Thuận hiện nay còn thực hiện việc bảo tồn và quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. 10 tháng năm 2016, 90% đầu việc đã được tập thể 30 cán bộ, công nhân viên thực hiện, trong đó có thiết lập 4 hồ sơ khoa học di tích tại đình làng Khánh Thiện, chùa Bà Thiên Hậu, Đài tưởng niệm liệt sĩ Đoàn vận tải H50, miếu Thanh Minh phường Phú Thủy. “Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội văn hóa dân gian và lễ hội cầu ngư tại Lăng Ông Cồn (Chí Công), miếu làng Long Giang (Phan Rí Thành) lễ hội Miếu Bà (Bình Thạnh), cộng đồng người Raglai tại Đức Thuận, hát bài chòi (Huy Khiêm)… cũng đang được khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm”, ông Đặng Văn Thông - Phó giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho biết.
Hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, các cấp, các ngành và người dân các dân tộc trong tỉnh hãy tích cực, chủ động thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời có những việc làm thiết thực nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
H.Đ