Theo dõi trên

Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm phục vụ phát triển du lịch.

18/10/2023, 14:30

BTO-UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch.

dsc_0502.jpg
dsc_3199.jpg
dsc_3293.jpg

Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội Katê diễn ra hàng năm (từ cuối tháng 6 và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch) trong một không gian hết sức rộng lớn theo nghi thức truyền thống. Lễ hội Katê diễn ra trước tiên tại các đền, tháp, sau đó đến các làng Chăm, gia đình các vị sư cả, chức sắc và các gia đình người Chăm Bàlamôn.

Katê là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng, tác động nhiều mặt đến tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cộng đồng người Chăm Bàlamôn. Đồng thời đây là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm. Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm Bàlamôn, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng, bảo bọc và chở che cho con cháu được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc…

dsc_3260.jpg
dsc_3275.jpg

Lễ hội Katê là một trong 5 lễ hội đặc sắc của tỉnh được đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. So với các lễ hội khác trong tỉnh, Lễ hội Katê có quy mô lớn, kéo dài ngày, diễn ra ở nhiều không gian và thời gian khác nhau, đối tượng tham gia lễ hội khá đa dạng, không chỉ cộng đồng người Chăm (người Chăm theo đạo Bàlamôn và người Chăm theo đạo Bàni) trong và ngoài tỉnh, mà còn có sự tham gia của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống lân cận như: Kinh, Raglai, Cờho, Hoa, Tày, Nùng,... và du khách.

Tuy nhiên, Lễ hội Katê vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định trong công tác quản lý và tổ chức như: Môi trường cảnh quan, không gian các đền, tháp, nhà làng - nơi diễn ra Lễ hội Katê chưa được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng tầm tương xứng; công tác tuyên truyền, quảng bá về nét đặc sắc của Lễ hội Katê chưa được chú trọng… Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm; đồng thời hướng đến đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước.

ĐÌNH HOÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm phục vụ phát triển du lịch.