Theo dõi trên

Bảo vệ an ninh Tổ quốc từ khơi dậy sức mạnh toàn dân. Bài 3

19/09/2022, 05:35

Bài 3: Lan tỏa và đi vào chiều sâu

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) những năm qua đã và đang phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một phong trào, đến nay việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) của người dân từng bước đã trở thành việc làm hàng ngày trong cộng đồng dân cư.

Bảo vệ an ninh dần trở thành việc làm hàng ngày

Xác định công tác xây dựng Phong trào TDBVANTQ là biện pháp cơ bản, chiến lược lâu dài trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội nên trong những năm qua, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang nhân dân, để tham mưu UBND tỉnh đề ra những chủ trương, biện pháp lớn nhằm tập trung lãnh đạo chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng phong trào TDBVANTQ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong những năm đầu thực hiện, việc xác định, xây dựng những mô hình bảo vệ ANTT có nhiều khó khăn. Có những mô hình sau một thời gian xây dựng đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong những năm đầu, có lúc, có thời điểm phong trào chưa được các cấp chính quyền quan tâm, chưa hiểu rõ được những hiệu quả mà phong trào này mang lại cho công cuộc bảo vệ chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội.

1.jpg
Mô hình camera an ninh đã mang lại hiệu quả cao và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Năm 2013, Ban chỉ đạo phong trào TDBVANTQ tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình tự phòng, tự quản đảm bảo ANTT trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ”. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND, thành viên BCĐ các cấp, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, vai trò của công an các đơn vị, địa phương trong công tác tham mưu, hướng dẫn, đề xuất việc sơ kết, củng cố, nhân rộng, xây dựng mô hình “tự phòng, tự quản”; khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngay sau hội thảo này, Công an tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 650/HD-CAT-PV28 ngày 19/3/2014 về quy trình các bước tiến hành xây dựng mô hình “tự phòng, tự quản” để thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Cũng từ đây, phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh có những thay đổi rõ rệt. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể chính trị xã hội, phong trào TDBVANTQ đã đổi mới mạnh mẽ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, biện pháp tuyên truyền như tọa đàm, hội thi, tổ chức văn nghệ bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng video clip về phương thức thủ đoạn hoạt động và những giải pháp phòng ngừa tội phạm, những cách làm hay, những gương điển hình trong phong trào TDBVANTQ , trong truy bắt tội phạm... Trong 17 năm qua, chính quyền địa phương các cấp, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cũng như trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

img_5100.jpg
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

Các cấp chính quyền đã xây dựng được những mô hình bảo vệ ANTT hoạt động hiệu quả. Các mô hình được xây dựng phần lớn đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của các địa phương, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thành viên nòng cốt trong các mô hình tự phòng, tự quản đã thể hiện tốt trách nhiệm công dân là những hạt nhân nòng cốt trong tham gia tố giác tội phạm; vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, vận động giáo dục, cảm hóa người vi phạm tại cộng đồng dân cư; vận động, cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông.

Tại các địa phương có nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả thiết thực như: “Thôn (khu phố) tự quản chống lây lan ma túy”, “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”, “Ánh sáng an ninh” và “Ánh sáng an ninh nâng cao” được cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động mô hình. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 6 mô hình hoạt động có hiệu quả và đã đề nghị Cục V05 – Bộ Công an ghi nhận, giới thiệu nhân rộng 1 mô hình trong phong trào TDBVANTQ. Việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Phong trào TDBV ANTQ từng bước đi vào chiều sâu; Ban Chỉ đạo các cấp đã rà soát đánh giá kết quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm theo các tiêu chí và được Bộ Công an quyết định công nhận 15 xã ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

Giữ vững an ninh trật tự để phát triển

Phong trào TDBVANTQ đã có bước phát triển mới, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT. Ngày Hội toàn dân bảo vệ ANTQ đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ ANTT của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới đã xác định: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến cơ sở phải xác định công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình, hàng năm đề ra chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự ở đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào”. Do đó, việc triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội các cấp và người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu nòng cốt.

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị sự chung tay, góp sức của nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh từng bước được đảm bảo ổn định. Điều này sẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhất là khi hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư xây dựng.

Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 20 mô hình “tự phòng, tự quản” đảm bảo an ninh, trật tự trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động có hiệu quả, được nhân rộng ra 725 địa bàn (667 địa bàn huyện, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cấp huyện và 58 địa bàn cơ quan, doanh nghiệp cấp tỉnh).

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ an ninh Tổ quốc từ khơi dậy sức mạnh toàn dân. Bài 3