Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và rất dễ lây lan. Bên cạnh điều trị y tế (nếu cần), việc điều trị tay chân miệng tại nhà đúng cách có vai trò rất quan trọng để giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh hơn. Theo các bác sĩ điều trị tại bệnh viện, bệnh tay chân miệng truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng (nước bọt, đờm hoặc chất nước mũi), chất lỏng từ mụn nước hoặc bong vảy và phân. Tay chân miệng là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, loét miệng, đau miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc... Đa số các trường hợp mắc tay chân miệng nhẹ, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8 – 10 ngày. Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không cho trẻ ăn uống thực phẩm có vị chua, cay nóng. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn và cách ly trẻ bị bệnh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà…
Trường hợp trẻ sốt cao kéo dài, nôn nhiều, giật mình, chới với, ngủ bứt rứt, tay run, chân đi yếu, da nổi bông, tay chân lạnh… sẽ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này xuất hiện từ 2 – 5 ngày của bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong cho trẻ. Khi cha mẹ nhận thấy bé có các dấu hiệu kể trên, cần lập tức đưa bệnh nhi đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh trong mùa dịch, các chuyên gia y tế khuyến cáo hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin đặc hiệu. Do đó nguyên tắc phòng bệnh là phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa, tránh tiếp xúc với nguồn lây một cách trực tiếp. Để giảm thiểu sự lây lan của bệnh tay chân miệng, cần rửa tay bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn hàng ngày; đeo khẩu trang khi đi đến những không gian công cộng, như trường học, bệnh viện, siêu thị... Ngoài ra, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đúng cách và đầy đủ dinh dưỡng là một cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ em. Đảm bảo trong chế độ ăn uống của con trẻ nhiều rau củ, trái cây và thực phẩm giàu protein. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi...