Theo dõi trên

Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

24/03/2023, 05:47 - Lượt đọc: 330

Bước vào thời kỳ chuyển đổi số, việc người tiêu dùng sử dụng không gian mạng để giao dịch hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Thay vì đi chợ truyền thống hoặc đến trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng… thì không ít người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online).

Thời gian qua tại Bình Thuận, các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên app thiết bị di động, ngân hàng số tiếp tục được phát triển với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Qua đó tạo thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch và góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, SMS Banking, Moblie Banking), thanh toán QR code, ví điện tử, thanh toán thẻ qua POS....

img_1746.jpg
Hội thảo “Tiêu dùng an toàn trong chuyển đổi số” vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết.

Dù đem lại nhiều tiện ích, nhưng việc thực hiện giao dịch thanh toán qua các hình thức trực tuyến trên không gian mạng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cho người tiêu dùng như bị lừa đảo hoặc gặp rủi ro khi thanh toán, mua hàng không đúng chất lượng… Vì vậy tại hội thảo với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong chuyển đổi số” (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp Hội Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức vào giữa tháng 3/2023) đã đề cập những vấn đề quan tâm, giúp người tiêu dùng nắm bắt thêm một số kỹ năng, phương thức mua sắm an toàn trên không gian mạng.

Theo ông Đặng Sỹ Hảo - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, những hình thức giao dịch mới được hình thành thông qua chuyển đổi số cũng khiến quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng hơn, trong khi hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ… Để bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương, Hội đã phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Như đã cung cấp, đăng tải tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” trên trang Thông tin điện tử của Sở Công Thương Bình Thuận nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách thức tiêu dùng an toàn trong suốt quá trình giao dịch và sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tiếp nhận và đưa vào hoạt động tổng đài 1800-6838 của Bộ Công Thương, nhờ đó hỗ trợ giải quyết cho người tiêu dùng đổi trả mới 1 máy lạnh trên địa bàn huyện Đức Linh. Ngoài ra còn tiếp nhận hỗ trợ tư vấn cho 2 trường hợp người tiêu dùng liên quan đến mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, 1 trường hợp mua hàng qua điện thoại…

Với Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, trong 2 năm gần đây đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm. Được biết tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 300 triệu đồng, ngoài ra cũng tịch thu nhiều sản phẩm hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Cùng với đó, đơn vị còn gởi văn bản đến các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử lớn (như Shopee, Lazada, Sen Đỏ, Hotdeal…) hỗ trợ rà soát và cung cấp danh sách thông tin các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh có địa chỉ kinh doanh, lấy hàng thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Qua đó xây dựng danh sách các cơ sở kinh doanh hoạt động trên sàn thương mại điện tử tại địa phương để quản lý và thực hiện tuyên truyền, ký cam kết trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Phan Thiết cho rằng hiện nay tội phạm mạng thường nhắm đến đánh cắp dữ liệu cá nhân, nhất là các ứng dụng và website giả mạo trong những đợt cao điểm mua sắm nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Thế nên để đảm bảo an toàn khi thực hiện mua sắm qua sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa qua mạng cần chọn những sản phẩm của nhà sản xuất, phân phối có thương hiệu uy tín, các công ty có pháp lý rõ ràng. Phải nắm được hàng hóa giá cả cần mua có thể hiện trên trang mạng của công ty đó, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin hàng hóa (như xuất xứ, nơi sản xuất, hạn sử dụng...), chỉ nên chọn sản phẩm mà mình hiểu rõ trước khi đặt mua và hoàn tất giao dịch mua bán.

Với người tiêu dùng cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng để có thể nhận biết trang thông tin điện tử (website) không an toàn. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, việc kiểm tra website lừa đảo là kỹ năng cơ bản cần phải biết khi truy cập các trang mạng xã hội hiện nay. Cách kiểm tra đơn giản nhất có thể thực hiện là kiểm tra bằng cách tra cứu thông tin của doanh nghiệp tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Bởi nếu là một tổ chức uy tín thì sẽ có đầy đủ thông tin trên trang chủ, do vậy dựa vào các thông tin này để kiểm tra công ty có tồn tại và đăng ký kinh doanh hợp lệ hay không (địa chỉ kiểm tra: https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Cần: Nâng cao đời sống phụ nữ nhờ nguồn vốn vay
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) đã tích cực triển khai hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến hội viên, phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Từ nguồn vốn ưu đãi này giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng