Theo dõi trên

Bàu Trắng qua Mộc bản triều Nguyễn

12/09/2018, 15:30

BTO- Bàu Trắng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất Bình Thuận. Đây là hồ nước ngọt duy nhất nằm giữa vùng đồi cát mênh mông thuộc xã Bình Nhơn, huyện Hòa Đa, nay thuộc  thôn Hồng Lâm, xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 62 km về hướng Đông bắc. Trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, tên gọi và những điều kỳ lạ xung quanh địa danh bàu Trắng vẫn còn được lưu giữ lại khá rõ nét.  

                
         Hình ảnh Bàu Trắng ở tỉnh Bình Thuận hiện nay

  Bàu Trắng còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như bàu Cát, bàu Sen hay bạch Hồ. Vào năm Đinh Mão (1867), Doanh điền sứ Bình Thuận là Nguyễn Thông khi đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp của bàu Trắng đã đặt tên là hồ Trắng. Ông cũng đã làm nhiều bài thơ ca ngợi cảnh đẹp này như “Quá Bình Sơn sa mạc” (Qua bãi cát Bình Sơn) và bài “Bạch hồ nhàn hành” (Dạo chơi Bàu Trắng).

Và không chỉ xuất hiện trong thơ của Doanh điền sứ Nguyễn Thông với tên gọi là hồ Trắng, trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, bàu Trắng cũng được gọi với cái tên mỹ miều là “Bạch hồ”. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 12, mặt khắc 20 còn khắc ghi lại tên gọi cũng như những câu chuyện kỳ lạ xung quanh Bạch hồ như sau: “Hồ Trắng: có hai hồ trên và dưới ở phía tây Nam huyện Hòa Đa, phía tây Ba Động, hồ trên chu vi 8 dặm linh, hồ dưới chu vi 12 dặm linh, nước trong ngọt, bốn mùa không tăng không giảm. Phía tây bắc là động cát, phía Tây nam là chân rừng, trên bờ có đền thần Chúa động. Tương truyền năm Tân Dậu có người phu trạm tên là Thư đệ công văn, bị cọp bắt, mấy ngày sau trong Hồ có con cọp chết đuối, chính là con cọp bắt Thư hôm trước. Lại có người lái trâu tên Phú đuổi trâu qua đền trên hồ thất lễ, bỗng trong đàn trâu có một con chạy xuống hồ, từ từ chìm xuống, chốc lát nổi lên mặt nước. Lại ở phía nam có ao thuyền đá, có phiến đá lớn như hình cái thuyền”.

                
      
         Tên gọi và những    câu chuyện xung quanh Bàu Trắng (Bạch Hồ) được khắc Trong khối Mộc    bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 12, mặt khắc 20

Như vậy, theo ghi chép của Mộc bản triều Nguyễn thì hồ trên và hồ dưới chính là bàu Ông và bàu Bà mà ngày nay thường gọi. Do “Bàu” trong tiếng địa phương nghĩa là “hồ” nên từ rất lâu, người dân địa phương đã quen gọi là bàu, thay vì gọi là hồ. Bàu Bà có diện tích 70ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình là 5m, nơi sâu nhất là 19m, càng về phía bờ, nước càng cạn dần. Còn bàu Ông thì nhỏ và dài. Nước ở bàu Bà cũng ngọt hơn bàu Ông, sen cũng nhiều và đẹp hơn, hầu như nở cả bốn mùa. Giữa bàu Ông và bàu Bà được ngăn cách với nhau bởi đập cát chạy ngang qua.

Về tên gọi của bàu Ông và bàu Bà được người xưa truyền tụng lại rằng: Vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Hoàng trên đường khai hoang lập làng, lập xóm, đã đưa dân tới đây tìm nơi sinh sống. Do lúc bây giờ chưa có nguồn nước nên ông đã chia dân ra làm hai nhóm đào xuống lòng đất tìm nguồn nước ngọt. Một nhóm là nữ, một nhóm là nam. Nam đào làng trên, nữ đào làng dưới, thi nhau xem nhóm nào tìm ra nguồn nước trước.Nhóm nam cậy mình khỏe mạnh nên lơ là việc đào ao, thường xuyên qua nhóm nữ để tán tỉnh, đào phụ các cô. Nhóm nữ quen tính chịu thương, chịu khó cần cù đào ao, cho nên nhóm nữ ngày càng đông lực lượng đào và ngày càng đào được sâu và rộng. Khi các chàng trai phát hiện ra thì đã không theo kịp nhóm nữ, do đó ao của nhóm nữ lớn hơn. Và tên gọi ao Ông, ao Bà gắn liền từ đó.Về sau, người ta không gọi ao nữa mà gọi là bàu Ông, bàu Bà.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bàu Trắng còn là trung tâm của khu kháng chiến cách mạng khu Lê Hồng Phong, là một trong những điểm đóng quân của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bắc Bình. Đồng thời cũng là nơi đồng bào căn cứ trú ẩn mỗi khi địch càn quét trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây cũng đã chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch trong thời kỳ kháng chiến, quân và dân cũng đã bỏ nhiều xương máu để giữ gìn quê hương.

Ngày nay, bàu Trắng đã trở thành địa điểm du lịch ưa thích củadu khách mỗi khi tới Bình Thuận. Năm 2013, bàu Trắng được bình chọn “Một trong những điểm đến ấn tượng Việt Nam” trong chương trình bầu chọn “Tốp 100 thương hiệu du lịch văn hóa UNESCO 2013” và danh hiệu “Điểm đến được ưa thích ASEAN” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng năm 2014. Đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình giữa không gian ngập tràn màu nắng, đồi cát trắng chói chang như tương phản với hồ nước mênh mông, xanh trong nền trời, nhưng vẫn cảm nhận được sự tĩnh lặng, êm đềm đến lạ lùng của cảnh quan thiên nhiên được mệnh danh là “tiểu sa mạc Sahara”.

Thơm Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàu Trắng qua Mộc bản triều Nguyễn