Diện tích nhiễm bệnh tăng từng ngày
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 14/6, toàn tỉnh có 782 ha nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ 715 ha, nhiễm trung bình 58 ha và nhiễm nặng 9 ha. So với tuần trước tăng 520 ha. Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu tập trung nhiều nhất tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.
Tại huyện Hàm Thuận Bắc, mưa nắng thất thường những ngày qua diện tích nhiễm đốm nâu gia tăng từng ngày trên địa bàn huyện. Anh Đặng Ngọc Lý, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Hàm Thuận Bắc cho biết: Bệnh đốm nâu đang tăng mạnh, phân bố hầu hết các địa phương, nhiều nhất các xã Hàm Hiệp, Hàm Đức, Hồng Sơn, Hàm Liêm. Để phòng ngừa bệnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn tuyên truyền phổ biến trên đài, loa phát thanh… đến bà con nông dân có trồng thanh long về biện pháp IPM phòng trừ tổng hợp trên cây thanh long. Mặc dù trạm đã khuyến cáo bà con tuân thủ các biện pháp canh tác phòng trừ bệnh để tiêu hủy nguồn bệnh, nhưng vẫn còn một số hộ dân cắt tỉa cành, tiêu hủy cành, hoa, trái bị bệnh tập trung chưa đúng nơi quy định. Trạm đã lồng ghép trong các cuộc họp thôn, khu phố nhắc nhở các hộ dân, để tiêu hủy nguồn bệnh cần sự tự giác người dân”.
Nhìn chung, các địa phương có cố gắng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh đốm nâu trên thanh long. Đến trung tuần tháng 6 diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu giảm 2.347 ha so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, việc tiêu hủy nguồn bệnh chưa có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện vẫn còn các vườn thanh long chưa tiến hành cắt tỉa cành bệnh, chưa vệ sinh vườn triệt để. Một số vườn có cắt tỉa nhưng không tiến hành tiêu hủy mà để dọc theo đường đi, kênh mương xung quanh vườn. Đây chính là nguyên nhân các ổ bệnh sẽ lây lan phát tán gây hại trong mùa mưa sắp tới, vì vậy cần phải tiến hành thu gom tiêu hủy ngay để ngăn chặn nguồn bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo ở một số xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức các hộ trồng thanh long về phòng, chống bệnh đốm nâu. Từ đó, tránh tư tưởng chủ quan trong thực hiện tiêu diệt mầm bệnh.
Tập trung ứng phó
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, thời tiết vào mùa mưa để chủ động ứng phó ngăn chặn bệnh đốm nâu, nông dân cần vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, tiến hành cắt tỉa cành quả bệnh, nhất là các cành có vết bệnh cũ và tiêu hủy theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long. Các vườn thanh long cần tạo rãnh thoát nước, tránh để vườn úng ngập nước là điều kiện thuận lợi phát sinh các nấm bệnh hại cây và làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng phát triển của cây thanh long. Các Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuyệt đối không để các cành, trái thanh long bệnh tập trung dọc theo bờ đường, đổ xuống sông, suối, kênh rạch làm bệnh phát sinh lây lan rộng, gây khó khăn cho công tác phòng chống bệnh. Đồng thời, hạn chế bón đạm, phun chất kích thích sinh trưởng trên các vườn đang nhiễm bệnh. Nên bón bổ sung lân, kali và các trung, vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây.
Thanh Duyên