Theo dõi trên

Bệnh tay chân miệng ở Hàm Thuận Bắc có chiều hướng giảm

31/10/2018, 08:52

BT- Hàm Thuận Bắc được xem là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) cao nhất trong tỉnh từ đầu năm đến nay. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế huyện cũng như các trường mẫu giáo, nhà trẻ trên địa bàn huyện đã và đang tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng.

Theo Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc, từ đầu năm đến nay toàn huyện có 240 ca mắc bệnh TCM (giảm 61 ca so cùng kỳ năm ngoái) cao điểm giữa tháng 9 và cuối tháng 10. Chủ yếu trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi và số ca mắc bệnh đều tập trung ở trẻ tại nhà, còn tại trường học không ghi nhận ca nào. Thị trấn Ma Lâm là địa bàn có số ca mắc bệnh TCM cao nhất huyện với 45 ca. Điều đáng nói, nhiều gia đình không biết con mình mắc bệnh từ đâu. Vì họ không  gửi con đi nhà trẻ mà để con ở nhà. Chị Toán ở thôn 3, thị trấn Ma Lâm cho biết: “Mới đây con trai tôi 11 tháng tuổi bị mắc bệnh TCM. Gia đình không hề biết về căn bệnh này cho đến khi con tôi sốt cao và phải nhập viện”.

Do nhiều bậc cha mẹ còn đang lơ là, chủ quan với dịch bệnh, hoặc kiến thức về căn bệnh này còn hạn chế. Vì thế, công tác giữ gìn vệ sinh cho trẻ chưa được quan tâm là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị bệnh TCM. Trước thực trạng trên, ngành y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh. Trong đó, công tác truyền thông đến với người dân là một trong những biện pháp được chú trọng. Thông qua hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn hoặc qua các buổi sinh hoạt, cuộc họp của các đoàn thể để tuyên truyền cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, cá nhân, trong sinh hoạt và hướng dẫn phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Cùng với đó, tuyên truyền dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da ở dạng phỏng nước, tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông. Ngành y tế huyện cũng khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh TCM trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tại Trường mầm non Hoa Hồng đóng trên địa bàn thị trấn Ma Lâm, những ngày này ngoài việc thực hiện chương trình chuyên môn giảng dạy, trường còn tích cực thực hiện công tác phòng chống bệnh TCM cho trẻ. Cô Nguyễn Thị  Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng cho biết: “Công tác phòng chống bệnh TCM được trường thực hiện thường xuyên từ đầu năm học đến nay. Nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh về căn bệnh này để chủ động phòng tránh cho trẻ và triển khai tập huấn cho giáo viên về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, chú trọng việc dọn dẹp vệ sinh trường, lớp, tẩy trùng các thiết bị đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ bằng dung dịch CloraminB; thực hiện rửa tay cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh nên không có trường hợp nào trẻ mắc bệnh TCM tại trường”.

Đến thời điểm này, bệnh TCM vẫn chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Theo Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc, với việc chủ động, tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM đến nay số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm dần và hạn chế sự lây lan.

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng ở Hàm Thuận Bắc có chiều hướng giảm