Theo dõi trên

Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Bình Thuận: Nhiều phương pháp điều trị mới có hiệu quả

05/12/2017, 09:53

Kết hợp thuốc và trị liệu

BT- Từ khi có cơ sở mới nằm trên đường Võ Văn Kiệt (TP. Phan Thiết) vào năm 2015, Bệnh viện y học cổ truyền có thêm khoa phục hồi chức năng, khoa khám đa khoa, khoa ngoại tổng hợp, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn… Do vậy, quy mô bệnh viện được mở rộng lên gần 200 giường bệnh nội trú cùng đội ngũ 177 thầy thuốc trực tiếp chữa trị bệnh. Hiện các khoa, phòng chuyên môn tiếp nhận bệnh nhân ngày càng nhiều, trong đó tập trung nhiều bệnh nhân nội trú, ngoại trú là khoa nội (30 giường bệnh), lão khoa (32 giường bệnh); hồi sức cấp cứu (25 giường bệnh). Đặc biệt là khoa phục hồi chức năng có lúc tiếp nhận 83 bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú. Đa phần bệnh nhân vào nhập viện bị tai biến mạch máu não, cao huyết áp, tê liệt thần kinh, đau nhức mãn tính… Sau một đợt điều trị (21 ngày) đều có hiệu quả.

                
   Phương pháp thủy trị liệu cho bệnh nhân bị    viêm đa khớp.

Bác sĩ CK1 Thái Văn Đạt,phó khoa Phục hồi chức năng cho biết: Hiện khoa có 54 bệnh nhân nội trú, trong đó có nhiều bệnh nhân bị hội chứng thợ lặn, tê liệt tứ chi hoặc tê liệt toàn thân; tai biến mạch máu não, trẻ bị bại não… Ngoài việc luyện tập bằng các thiết bị phục hồi chức năng thì khoa đã sử dụng các phương pháp điều trị hiện đại giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, chẳng hạn như điều trị bệnh tê liệt tứ chi hay liệt cả người bằng máy oxy cao áp (các cơ sở y tế khác trong tỉnh chưa có). Bác sĩ Đạt giải thích: “Các thợ lặn khi ngoi lên mặt nước với tốc độ nhanh nên nồng độ nitơ trong máu cao, không thoát kịp. Từ đó, gây nên bệnh nhồi máu tủy, tê liệt tứ chi. Phương pháp điều trị bằng máy oxy cao áp nhằm kéo giảm nồng độ nitơ trong máu xuống. Khi người bệnh đưa đến sớm để điều trị bằng máy oxy cao áp thì 100% người bệnh sẽ khỏi bệnh. Hiện nay nhu cầu điều trị bệnh rất lớn, nhưng bệnh viện chỉ có một máy oxy cao áp nên công suất máy sử dụng tối đa. hoặc trẻ con bị bại não điều trị bằng máy oxy cao áp cũng có hiệu quả phục hồi rất cao. Từ đầu năm đến nay khoa đã điều trị cho hàng chục trường hợp bại liệt, bại não.

Tại khoa phục hồi chức năng và một số khoa khác còn thực hiện phương pháp “cấy chỉ” vào các huyệt thay thế cho châm cứu truyền thống bằng kim. Phương pháp này rất tiện ích cho người bệnh vì một tuần lễ mới đến “cấy chỉ” một lần và bảo đảm vô trùng cao. Hiện mỗi ngày bệnh viện có hơn 100 bệnh nhân bị các bệnh đau nhức xương khớp, tê liệt đến sử dụng phương pháp cấy chỉ. Hay phương pháp sử dụng máy thủy trị liệu tứ chi hoặc toàn thân giúp người bệnh bị viêm đa khớp, thần kinh ngoại biên nhanh chóng phục hồi. Nét nổi bật nữa ở Bệnh viện y học cổ truyền - phục hồi chức năng là trong năm 2017 các khoa đều tổ chức phòng thủ thuật châm cứu (bằng kim hoặc cấy chỉ) để bảo đảm vô khuẩn, tiết kiệm được thời gian cho y, bác sĩ (trước đây châm cứu tại giường bệnh). Ngoài ra, tại khoa khám lần đầu tiên tổ chức phòng châm cứu cho bệnh nhân ngoại trú nên đã tạo thuận tiện cho người bệnh về thời gian và chủ động trong việc chữa trị bệnh…  

Thiếu nhân lực, thiết bị

Tuy có nhiều nỗ lực trong điều trị, áp dụng nhiều phương pháp điều trị mới, kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền với y học hiện đại. Song, bệnh viện y học cổ truyền –phục hồi chức năng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về nhân lực, thiếu đội ngũ bác sĩ đa khoa để khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT; một số trang thiết bị cận lâm sàng còn thiếu như: máy chụp X-Quang kỹ thuật số, máy siêu âm tổng quát màu, thiết bị oxy cao áp tại khoa phục hồi chức năng đã quá cũ, không đáp ứng được nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người bệnh. Từ những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến số lượng đăng ký khám chữa bệnh BHYT hàng năm.

Bác sĩ CK1 Phạm Văn Chính, Giám đốc bệnh việny học cổ truyền –phục hồi chức năng cho biết: “Do con người, thiết bị còn hạn chế nên bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện nhưng khi bị đau mắt, đau răng hoặc khám bệnh phụ khoa thì phải chuyển tuyến. Người trẻ ít đăng ký khám tại đây mà phần lớn là người già bị bệnh xương khớp đăng ký khám khá nhiều. Năm 2017 bệnh viện có khoảng 15.000 lượt người khám chữa bệnh, trong đó 2.106 lượt người điều trị nội trú. Hiện bệnh viện có 3.200 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nhưng 90% là người bị bệnh thường xuyên điều trị nội trú, ngoại trú, nhất là bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, mỗi năm điều trị từ 3-4 đợt, chi phí từ 10-12 triệu đồng/người. Do vậy, bệnh viện luôn vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT ở mức cao – điều này rất khó khắc phục…”.

Đầu năm 2018, các bệnh viện trong tỉnh đồng loạt thực hiện tăng viện phí theothông tư 02 của Bộ Y tế đối với người không có thẻ BHYT. Các bệnh viện sẽ tự cân đối tài chính, ngân sách không chi lương y, bác sĩ, thay vào đó là thu từ nguồn BHYT để cân đối. Tuy nhiên đối với bệnh việny học cổ truyền -phục hồi chức năng có tính đặc thù nên việc tự chủ, tự cân đối về tài chính là điều khá nan giải.

 LÊ THANH



(3) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Bình Thuận: Nhiều phương pháp điều trị mới có hiệu quả