Và cách viết cũng êm đềm, thậm chí lạnh lùng nhưng ẩn chứa, sắc sảo. Kiệm lời, thậm chí bỏ lửng, tạo nhiều quãng lặng nhưng chi tiết cực kỳ đắt giá và được đẩy tới cùng. Truyện ngắn Phong Điệp không đưa ra chuẩn mực nhân tính, một cách như là ngẫu nhiên, những mô típ lãng mạn được lồng ghép, chuyển đổi thành mô típ hiện thực và cứ như vậy những trang văn của Phong Điệp chống lại một cách mạnh mẽ, gay gắt mọi hình thức nô dịch của con người, nhất là của nữ giới, về mặt tinh thần và cả về mặt xã hội.
Truyện ngắn “Tàn tro ma mị” như một loại truyền kỳ nhưng được khéo léo dẫn thành một loại hiện thực ám ảnh. Chuyện kể về một người phụ nữ tên Linh, là một trong ba cô chủ của ba quán nướng trên Dốc Mù, nơi được coi là chứa nhiều bí ẩn đáng sợ. Cuộc đời Linh liên quan đến hai người đàn ông là Quân và Sàng: Quân cao ráo, đẹp trai, trở thành người chồng vô dụng, vô trách nhiệm, Sàng nhỏ thó, “đen như củ ấu”, kẻ lẳng lặng yêu trong nhu nhược, lẳng lặng bám theo cuộc đời Linh và lẳng lặng mất tích. Người đọc, sau khi gấp sách lại, sẽ nhận ra hai nhân vật nam này đều là đối tượng bị lên án, đều là nguyên nhân dẫn đến cuộc đời đẫm nước mắt buồn bã, khổ nhọc của Linh và cũng là ngọn lửa bí ẩn rợn người tiếp theo của Dốc Mù. Phải chăng với cái nhịp điệu truyền kỳ nối tiếp như vậy, tác giả muốn khắc họa, muốn đưa ra ánh sáng một thứ hiện trạng ám muội, u buồn, khó thay đổi của những thân phận phụ nữ vùng cao. Hơn cả sự chia sẻ, nó là một phản kháng! Hơn cả sự khám phá tâm lý, hiểu thấu, đồng cảm, nó là lời trách móc lương tâm con người, nó muốn gọi tên chính xác những nghịch dị có thật trong đời sống xã hội hiện nay.
Phong Điệp chỉ viết bằng những chi tiết đậm nét, bằng những đào xoáy tận cùng con người, không tô vẽ sặc sỡ, không đao to búa lớn, không ảo não xót thương nhưng cái tình sâu thẳm ấy đã truyền được đến người đọc là tôi. Khi nhà văn cho chàng trai trông xe ra đi, tôi đã hiểu được lòng chị. Hạnh phúc và khát khao hạnh phúc là điều thiêng liêng trong mỗi con người, không chỉ là vấn đề của một cá nhân nào, nó còn mang cả khát vọng truyền đời và tất nhiên nó còn hàm chứa thông điệp bình đẳng.
Một truyện ngắn buồn và lay động vì bởi được truyền ra, gửi đi, chia sẻ từ một tâm hồn thấm đẫm yêu thương, một tâm hồn mênh mang tình người. Những trang chữ biến mất, tình yêu mãi đọng lại như chính sự im lặng của chàng trai xấu xí ít tỏ bày nhưng thấu hiểu đạo làm người. Trong đạo có tình, trong tình có đạo là vì vậy.
Nhà văn Phong Điệp tên thật là Phạm Thị Phong Điệp, chị viết chắc tay ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, tản văn, truyện thiếu nhi, riêng truyện ngắn, Phong Điệp đã lần lượt ra mắt bạn đọc 10 tập: Khi ta hai mươi, Ma mèo, Phòng trọ, Người phía bên kia đường, Giấc mơ bay qua cửa sổ, Vườn hoang, Người của ngày hôm qua, Kẻ dự phần, Nhật ký nhân viên văn phòng, Biên bản bão.
Với tập truyện ngắn “Biên bản bão”, Phong Điệp, một lần nữa, tạo được những ám ảnh run rẩy, khát khao trong những góc khuất giá lạnh của thân phận con người. Mỗi thân phận ở đây đều là chính mình hoặc dự phần vào một cuộc tan vỡ êm đềm nhưng đớn đau khôn xiết. Và “Biên bản bão” khẳng định về một lối viết hiện đại, một không khí ngôn ngữ riêng biệt, rất Phong Điệp.
Nguyễn Hiệp