Theo dõi trên

Bình Hưng - Hưng Long: Qua trang lịch sử…. kỳ 2

29/11/2024, 05:42

Kỳ 2: Đến chuyện nay đô thị mới…

Năm Thành Thái thứ 10 (1898) tỉnh lỵ Bình Thuận mới dời vào đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết (dân gian gọi là Tỉnh cũ). Cùng lúc, bộ máy thống trị của Pháp ở Bình Thuận do một công sứ (résident) đứng đầu cùng cơ quan làm việc - gọi tắt là “tòa sứ” (dân gian gọi là Tỉnh mới) lại chiếm vị trí trung tâm đẹp nhất: làng Long Khê. Năm 1901, người Pháp xây dựng đường thuộc địa số 1 (route colonial No 1), tức quốc lộ 1A đi thẳng vào làng Long Khê lên cầu Quan Phan Thiết. Phía bên trái trên một ngọn đồi cao ngay từ năm 1896 đã xây cất “tòa sứ”, bên cạnh là đồn lính G.I- Garde civile Indigène – Lính khố xanh (địa điểm nay là trụ sở UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), tiếp đến là Bưu điện Trung tâm (nhà Dây thép). Phía bên phải đường là nhà ga xe lửa, Ngân khố (Kho bạc) và cũng trên một ngọn đồi cao đẹp cạnh bờ sông là khách sạn lớn -Grande Hotel- có tới mấy chục phòng, là một phân cuộc của “Hội Đại Khách sạn Đông Pháp”, làm nơi ăn nghỉ riêng cho người Âu (nay là khu vực cơ quan Tỉnh ủy). Cùng nhiều cơ quan, công sở của Pháp được xây dựng trên làng Long Khê, thật xót xa, các công trình của Pháp mọc lên đã làm mất đi các công trình của người xưa làng Long Khê, nhất là các công trình của nhà thơ Nguyễn Thông tạo lập và các đình chùa (nghe người xưa truyền lại có cả một ngôi chùa cổ, sau này xây lại một ngôi chùa mới trong khu vực là chùa Bửu Quang). Năm 1933, khi Phan Thiết lập 6 phường thì làng Long Khê chính thức mất đi, một nửa thuộc phường Phú Trinh và một nửa thuộc phường Bình Hưng. Song Long Khê đã để lại nhiều dấu ấn khó phai. Có một chuyện nghĩ cũng thú vị, sau khi làng Long Khê mất đi, còn lại cái chợ chiều của làng nay thuộc phường mới Phú Trinh, bà con đặt tên là chợ Phường; còn cái chợ làng Hưng Long cũng nhập vào thành phường song cơ sở là vẫn còn tên làng và đình làng nên vẫn giữ nguyên chợ Làng từ đó đến nay và (tôi nghĩ) cho tới mai sau.

thi-xa-phan-thiet-2.jpg
Sơ đồ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 - khu vực Bình Hưng - Hưng Long.

Nối tiếp làng Long Khê là làng (thôn) Đảng Bình (hộ Đảng Bình và vạn Quảng Bình). Cũng từ thế kỷ 18, những ngư dân quê Quảng Bình đã di dân vào Phan Thiết lập nghiệp tạo lập thành hộ Đảng Bình, về sau có thêm vạn Quảng Bình, trong “Đồng Khánh địa dư chí” (1886-1888) thì ghi là thôn Đảng Bình. Cũng như các làng, xã truyền thống trên đất nước ta, lập làng cùng với tạo lập đình chùa miếu mạo, bà con Quảng Bình đã tạo dựng ngôi chùa làng thờ Phật và nhang khói các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai phá dựng làng lập ấp. Chùa cũng được gọi là chùa Đảng Bình, nằm dưới một vườn dừa xanh mát nhìn ra sông (địa điểm ngày nay là khu vực trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh).

Ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công tại thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ Bình Thuận. Cho đến ngày 31/1/1946 (nhằm ngày 30 Tết) quân Pháp theo ngã Đà Lạt xuống Phan Rang vào tái chiếm Phan Thiết. Theo con đường cũ duy nhất xuống Bình Hưng - Hưng Long (mở ra từ năm 1900 đi xuống biển đặt tên là Rue de la plage) giặc Pháp cho ngay Tiểu đoàn Thiết giáp số 6 đóng quân ở Sở Thương Chánh và một đại đội lính Bắc Phi đóng ngay đình - dinh Ông cô làng Hưng Long. Một tội ác chúng gây ra không chỉ của cư dân Bình Hưng mà cả vùng Phan Thiết - Hàm Thuận, đó là việc chúng chiếm đóng ngôi chùa Đảng Bình biến thành một nhà tù giam giữ, tra khảo đồng bào và chiến sĩ ta. Từ đó xóa tên chùa Đảng Bình, mà thành “Lao xá Pagode Bình Hưng”, bà con phải chuyển các bài vị Tiền hiền, Hậu hiền về thờ trong một ngôi miếu nhỏ ở xóm Mới (cây xăng số 6 đi vào, khu phố 3 Bình Hưng). Về phía ta, xóm Đầm Bình Hưng - Hưng Long đã trở thành căn cứ lõm, địa bàn hoạt động của lực lượng Cảm tử đội thọc sâu vào nội thị trừ gian diệt ác. Nhiều thanh niên Bình Hưng - Hưng Long đã lên đường tham gia kháng chiến và tại địa phương dấy lên mạnh mẽ phong trào ủng hộ kháng chiến và nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ.

Và chùa Cát trở thành cơ sở quan trọng của “Phật giáo cứu quốc”, là nơi đi về trú chân của Cảm tử đội và cán bộ Dân Chính Đảng Phan Thiết. Năm 1987, nhân lúc phật tử quét dọn hương án để cúng vía Đức Phật Di Đà chợt phát hiện trong lòng tượng Phật còn cất giấu 100 cuốn sách nhan đề “Muốn thành cán bộ tốt”, sách in li tô khổ 9 x 14 dày 58 trang, kể cả bìa, nội dung gồm 5 phần: Điều tra - Tuyên truyền - Tổ chức - Huấn luyện - Tranh đấu. Theo các nhân chứng cao tuổi, thời ấy tham gia làm ra cuốn sách này là Hòa thượng Thích Ân Tâm ở chùa Long Đoàn núi Tà Cú và chiến sĩ biệt động Cảm tử đội nội thành Phan Thiết Dương Hự. Cuốn sách được in lần đầu ở cái gác sau lưng chùa Bình Quang Ni Tự (phường Bình Hưng) ngày 30/4/1947. Sau đó tái bản in lại tại 2 địa điểm: một ở gần bờ sông Cà Ty, một ở núi Ba Hòn, thành phẩm 500 cuốn, cuối bìa ghi: in tại nhà in riêng Phật giáo. Thông qua Hội Phật giáo cứu quốc, sách được phân phát ra Ninh Thuận và vào Long Khánh, Biên Hòa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa càng củng cố “Lao xá Pagode Bình Hưng”, nằm trong quần thể các cơ quan thiết yếu: Tòa hành chánh tỉnh, Tiểu khu, Ty Cảnh sát, Trại lính và Lao xá… Trong tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bước vào đợt 2, Tiểu đoàn 840 Quân khu 6 được tăng cường c3/481 Thị đội Phan Thiết và c3/482 Tỉnh đội Bình Thuận, trong đó c3/d840 và c3/481 đánh chiếm Lao xá, đã giải thoát hơn 700 đồng bào và chiến sĩ ta bị địch giam giữ tại đây. Đặc biệt, tham gia vào trận đánh có hai người con của quê hương xóm Khoai phường Hưng Long, đó là hai anh em đồng chí Nguyễn Việt Hữu và Nguyễn Hữu Nghị. Đồng chí Nguyễn Việt Hữu, cán bộ Đội công tác vũ trang Bình Hưng - Hưng Long dẫn đường cho bộ đội đánh vào Lao xá Pagode; còn đồng chí Nguyễn Hữu Nghị thuộc c3/481 làm Mũi phó do đồng chí Nguyễn Văn Định đại đội phó c3/d840 làm Mũi trưởng. Trận đánh có ý nghĩa chính trị to lớn trong quần chúng nhân dân, tác động tích cực đến phong trào cách mạng ở địa phương (sau này con đường nối từ Tôn Đức Thắng ra Tượng đài Chiến Thắng được đặt tên đường Mậu Thân). Trên địa bàn Bình Hưng - Hưng Long địch đã hàng chục lần thả bom và hàng trăm quả pháo từ hạm đội ngoài biển bắn vào, nhất là ở khu vực xóm Khoai và chùa Cát. Riêng tại chùa Cát, trong vườn chùa đã hứng chịu 8 quả bom, có 1 quả còn sót lại không nổ, nằm sâu dưới cát 2 mét, mãi đến ngày 13/11/2002 khi đào móng xây chùa mới phát hiện, Công binh đã di dời quả bom đi.

Sau giải phóng 1975 - thống nhất đất nước, một sự đổi thay lớn nhất, cơ bản nhất của vùng động cát Bình Hưng - Hưng Long này là một đại lộ mang tên đại lộ Nguyễn Tất Thành nối từ đường Trần Hưng Đạo (đường được làm vào năm 1972 từ ngã ba Tam Biên đi thẳng qua cầu Trần Hưng Đạo) trước Tượng đài Chiến Thắng thẳng xuống xóm Khoai, xóm Đầm ra tới biển, khởi nguồn mở ra một đô thị mới về hướng Đông Bắc cho TP. Phan Thiết ngày nay. Thanh niên Phan Thiết với những ngày chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa đã phủ kín lại trên động cát cả ngàn cây dương để làm nên một địa danh mới: Bãi tắm Đồi Dương. Từ Thương Chánh nối với Đồi Dương, con đường đất xưa được mở rộng và nhựa hóa được đặt tên đường Lê Lợi, nhà cửa của giáo dân và nhà thờ Giáo xứ Vinh Phú được tu bổ và xây mới khang trang, khách sạn, nhà hàng mọc lên, một công viên văn hóa được xây dựng, tất cả tạo nên một khu du lịch Thương Chánh - Đồi Dương, thu hút đông đảo người Phan Thiết và du khách đến dạo chơi, tắm biển.

Thêm một con đường mới nữa xuống biển Thương Chánh, phá cái thế “độc đạo” thuở trước, đó là con đường cặp theo sông Cà Ty từ cầu Trần Hưng Đạo xuống Thương Chánh. Cầu Trần Hưng Đạo là chiếc cầu mới làm khánh thành năm 1972. Thuở trước thị xã Phan Thiết chỉ có duy nhất một chiếc cầu bắc qua sông, gọi là cầu Quan (nay là cầu Lê Hồng Phong). Từ Hưng Long qua chợ Cồn Chà, chợ Lớn thì phải ngồi xuồng tại một điểm gọi là Bến đò Hưng Long (cũng như phía trên có Bến đò Văn Thánh). Nhìn lại, từ thuở nào hai bên bờ dày kín mấy lớp nhà chồ. Để làm con đường mới này phải giải tỏa xóm nhà chồ cặp theo mé sông, bà con di dời tái định cư lên trên khu Văn Thánh, dòng sông rộng ra thoáng đãng và bà con thoát cảnh nhà cửa lụp xụp, ở ăn tù túng; ghe thuyền về neo đậu có trật tự lớp lang, nhất là không cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ… Con đường mới được đặt tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, song bà con quen cách gọi dân gian cứ gọi là đường “Bờ Kè” bởi theo mé sông đã xây dựng bờ kè có các trụ vững chắc cho ghe thuyền quấn dây neo đậu. Một dãy nhà lòi ra “mặt tiền” thành ra một khu ẩm thực hải đặc sản bình dân mà ngon, có thương hiệu “Khu ẩm thực Bờ Kè”, cả người Phan Thiết và khách du lịch đều biết tiếng. Từ bờ kè bến đậu tàu thuyền, lại có thêm một đại lộ mới mở ra mang tên cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đại lộ thẳng ra chợ Làng, qua xóm Khoai xưa nay là khu dân cư Nguyễn Tất Thành, cắt ngang đường đi Phú Hài (Thủ Khoa Huân) rồi thẳng ra xóm động Cây Cám, dốc Cây Trâm, qua một khu đô thị mới mà xưa kia là đồng muối Trinh Tường, ra tới quốc lộ 1 gần cầu Bến Lội. Bây giờ thì khu Thương Chánh lập nên từ thời Tây để kiểm soát ghe thuyền vào ra cửa biển mà thu thuế đã trở thành bến Cảng vận chuyển hàng hóa và hành khách ra đảo Phú Quý, với đoàn tàu cao tốc vượt sóng ra đảo quê hương chỉ có 2 tiếng đồng hồ. Và mấy năm gần đây, Tượng đài Chiến Thắng được tôn tạo, mở rộng thành một vòng xoay lớn, từ đây mở thêm một đại lộ đi về hướng Tây được mang tên đại lộ Lê Duẩn ra tới quốc lộ 1 A (đường Trường Chinh) lên tới nhà ga Phan Thiết đã được di dời từ Phú Trinh lên Đại Nẫm.

Cho tôi, mỗi sáng ra Thương Chánh - Đồi Dương đón bình minh trên biển, nhìn về phía Đông Bắc ngắm núi đồi Phú Hài vươn ra biển có ngọn tháp Chăm cao cao, nhìn về hướng Đông Nam ngắm ba ngọn Ba Hòn vươn lên cùng với dãy đồi mờ xa tới mũi Kê Gà, rồi ngước lên ngọn gác chuông nhà thờ Vinh Phú vươn cao trong nắng mới cùng với tầng cao khách sạn TTC và những mái cao của các ngôi biệt thự, lâu đài… đủ dáng hình Á, Âu cổ xưa và hiện đại trong khu phố mới du lịch biển Phan Thiết, lòng cứ thấy nao nao yêu sao mảnh đất này qua bao thăng trầm lịch sử.

Kỳ 1: Từ chuyện xưa làng cũ…

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Bình Hưng - Hưng Long: Qua trang lịch sử… Kỳ 1
Kỳ 1: Từ chuyện xưa làng cũ…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Hưng - Hưng Long: Qua trang lịch sử…. kỳ 2