Công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Trong 10 tiêu chí xếp hạng PCI, Bình Thuận có 6 tiêu chí tăng điểm gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; đào tạo lao động; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý. 4 tiêu chí giảm điểm gồm: tiếp cận đất đai; tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Như vậy sau 3 năm tụt bậc, trong 2 năm 2017 - 2018 Bình Thuận đã tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng PCI. Năm 2017 Bình Thuận đứng thứ 24/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm 2016 (32/63). Kết quả này chứng tỏ nỗ lực kiên trì cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã có hiệu ứng tích cực.
Trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hồi năm ngoái, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính theo hướng 3 giảm: “giảm thời gian - giảm giấy tờ - giảm chi phí không chính thức” cho doanh nghiệp. Tiếp đó Trung tâm Hành chính công đưa vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính cũng như tiếp cận môi trường đầu tư nhanh hơn.
Với doanh nghiệp thời gian là tiền bạc, UBND tỉnh đã đề ra kế hoạch phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp tối đa 5 ngày. Thời gian nộp thuế và BHXH không quá 167 giờ/năm. Thời gian cấp GPXD và các giấy tờ liên quan không quá 71 ngày. Thời gian làm thủ tục cấp thoát nước 7 ngày. Thời gian làm thủ tục cấp điện không quá 30 ngày...
Công tác kiểm tra doanh nghiệp cũng được chấn chỉnh theo hướng không quá 1 lần/năm, nhằm khắc phục tình trạng kiểm tra chồng chéo, lợi dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp.
2 năm tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng PCI là kết quả đáng kể, nhưng để lọt vào tốp 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước như mục tiêu đề ra thì Bình Thuận còn cần nỗ lực hơn nữa:
Trước hết, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất của cải cách. Tại nhiều cuộc đối thoại với chính quyền, nhiều doanh nhân phàn nàn về tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ, hoặc thờ ơ, vô cảm của cán bộ công chức trước các bức xúc của họ. Cách giải quyết công việc nguyên tắc cứng ngắc, “ngâm” hồ sơ, gây chậm trễ kéo dài của một số cơ quan khiến nhà đầu tư nản lòng. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên rải thảm dưới rải đinh” vẫn diễn ra. Và mặc dù cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng của Đảng ta đã tác động tích cực đến PCI, khảo sát cho thấy “tham nhũng vặt”, “phí bôi trơn” có giảm so với trước. Nhưng tỷ lệ 58% doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” mới xong việc, cho thấy doanh nghiệp vẫn bị “hành” rất nhiều.
Cùng với yếu tố con người, một “điểm nghẽn” mà Bình Thuận đang tích cực tháo gỡ là cơ sở hạ tầng (năm 2017 chỉ số cơ sở hạ tầng của Bình Thuận xếp thứ 58/63 tỉnh, thành). Ngày 20/4 này cảng biển Vĩnh Tân sẽ được khánh thành; tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Nha Trang qua Bình Thuận đang triển khai giải phóng mặt bằng để thi công và hoàn thành vào năm 2021; sân bay Phan Thiết đang kiến nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ... Các công trình giao thông trọng điểm này đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư đã và đang bỏ tiền vào Bình Thuận.
Khôi Nguyên