Theo dõi trên

Bình Thuận đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện dự án khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường

05/07/2016, 10:19

BTO- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4919/VPCP – KTN ngày 17/6/2016 về việc xử lý sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan tại tỉnh Bình Thuận; UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý sự cố vỡ moong chứa nước để chuẩn bị khai thác titan tại mỏ Nam Suối Nhum của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường (Công ty Tân Quang Cường), cụ thể như sau:

                
      Bùn cát tràn ra đường ĐT 719

Diễn biến tình hình, kết quả xử lý, khắc phục:

Khoảng 5h, ngày 16/6/2016, tại vị trí mỏ titan Nam Suối Nhum thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam của Công ty Tân Quang Cường (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác với diện tích 515,5ha) đã xảy ra sự cố vỡ moong chứa nước để chuẩn bị khai thác titan, diện tích moong khoảng 3ha; cát và nước tràn lấp vào khu đất trồng 0,2ha cây phi lao của 1 hộ dân và khoảng 2ha sân, vườn, quán hải sản của 1 hộ dân khác phía dưới chân đồi cát; tổng thiệt hại ước khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, cát và nước còn tràn lấp 290m mặt đường ĐT 719 và chảy xuống bờ biển làm đục một đoạn biển với chiều dài khoảng 500m. Tổng lượng cát tràn ước khoảng 10.000m3.

Sau khi sự cố xảy ra, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngay công tác khắc phục (Công văn hỏa tốc số 2111/UBND-KTN ngày 16/6/2016 và Công văn số 2131/UBND-KTN ngày 17/6/2016 gửi kèm theo). Các sở, ngành và địa phương cũng đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Công ty khẩn trương huy động thiết bị máy móc, nhân lực của công ty; UBND xã Thuận Quý huy động lực lượng dân quân, công an xã, Đồn biên phòng phối hợp với lực lượng của công ty san ủi cát tràn ra đường và thu dọn cát tràn lấp nhà dân; sau hơn 1 giờ thì giao thông trở lại bình thường. Đến cuối ngày 18/6/2016 cơ bản thực hiện xong việc khắc phục sự cố, nước biển đã không còn đục và trở lại bình thường; Công ty đã thỏa thuận bồi thường cho hộ dân bị thiệt hại, không gây ảnh hưởng gì lớn về an ninh trật tự. Đồng thời, ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động tác động vào mỏ của công ty để kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật như nêu trên.

Ngày 17 và 18/6/2016, Đoàn Kiểm tra do Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản Miền Nam chủ trì theo chỉ đạo của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 1562/ĐCKS-VP ngày 16/6/2016 (sau đây gọi tắt là Đoàn kiểm tra) đã tiến hành kiểm tra thực tế, làm việc với công ty và các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận.

Qua kết quả kiểm tra, xác định nguyên nhân vỡ moong do công ty mở vỉa, đào moong chứa nước để chuẩn bị khai thác titan tại vị trí sườn đồi có độ cao địa hình từ 60 – 70m, cao hơn địa hình mặt đường ĐT 719 khoảng 50m, xung quanh là bờ cát bở rời kiên kết yếu, dễ sụt lở, kết hợp với lượng nước mưa chảy vào cùng với một phần lượng nước công ty bơm từ ngoài vào moong nhưng công ty thiếu sự theo dõi, kiểm tra thường xuyên nên nước tràn gây vỡ một phần vách bờ moong tạo thành dòng nước lẫn cát có áp lực lớn chảy tràn xuống khu vực phía dưới. Việc để xảy ra sự cố trách nhiệm thuộc về Công ty Tân Quang Cường do công ty bơm và chứa nước tại moong làm tràn và chảy xói dẫn đến vỡ moong, không theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ và không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường xảy ra trong quá trình khai thác.

Theo đó, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Quang Cường và yêu cầu công ty tạm dừng toàn bộ hoạt động thu hồi, khai thác titan tại mỏ để xử lý dứt điểm sự cố, đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và khắc phục xong các tồn tại thiếu sót nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét, giải quyết trước khi cho phép công ty hoạt động khai thác trở lại tại khu vực này.

Hồ sơ, thủ tục dự án và việc thực hiện nội dung giấy phép khai thác của công ty thời gian qua:

Về hồ sơ của dự án:

Công ty Tân Quang Cường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ titan – zircon Nam Suối Nhum, tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 245/QĐ-BTNMT ngày 3/2/2015; đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1019/GP – BTNMT ngày 27/4/2015 với diện tích 515,5ha, thời hạn khai thác đến năm 2038.

Đến nay, công ty đã thực hiện đầy đủ việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 2016, tiền ký quỹ phục hồi môi trường đến năm 2016 và đang tiến hành hoàn tất các hồ sơ về các lĩnh vực khoáng sản, môi trường, nước, đất đai để đủ điều kiện khai thác chính thức. Các hồ sơ, thủ tục còn thiếu gồm: chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất để khai thác khoáng sản; chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; chưa được Tổng cục Môi trường kiểm tra và xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động; chưa lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình khai thác; chưa thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; chưa có giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.

Việc để xảy ra sự cố môi trường và còn các tồn tại, thiếu sót nêu trên, ngày 18/6/2016, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty về các hành vi cụ thể như sau: “không đăng ký ngày bắt đầu khai thác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (Bộ Tài nguyên và Môi trường)”; “không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định”; “thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt”; “không có giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức”; “không lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định”; “gây sự cố môi trường” (có biên bản vi phạm hành chính kèm theo”.

Việc thực hiện các nội dung giấy phép khai thác:

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1019/GP-BTNMT ngày 27/4/2015, công ty đã tiến hành thực hiện để hoàn tất các hồ sơ còn lại nhằm đủ điều kiện khai thác theo quy định (đến nay còn thiếu một số thủ tục, hồ sơ như đã nêu trên) và thực hiện các việc sau: từ tháng 5/2015, tại moong số 1B có diện tích khoảng 2ha và moong số 3 có diện tích khoảng 1ha, công ty đã tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, chạy thử nghiệm máy móc, thiết bị có phát sinh quặng và thực hiện thu hồi khối lượng quặng này; đến đầu tháng 4/2016 thì bắt đầu hoạt động khai thác chính thức tại 2 moong này. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 5/2016, công ty mở thêm 1 moong chứa nước có diện tích khoảng 3ha để chuẩn bị khai thác tại vị trí moong 1A theo thiết kế khai thác mỏ, đây là vị trí đã xảy ra sự cố vỡ bờ moong vào ngày 16/6/2016. Cả 3 moong nêu trên đều nằm trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác; vị trí các moong cơ bản phù hợp với thiết kế mỏ được duyệt. Đồng thời, trong khu vực mỏ, công ty đã xây dựng các hạng mục chính phục vụ khai thác mỏ.

Việc tự ý thực hiện xây dựng cơ bản mỏ; chạy thử nghiệm máy móc, thiết bị có thu hồi quặng và tiến hành khai thác khoáng sản từ tháng 4/2016 của Công ty Tân Quang Cường nêu trên trong khi chưa thực hiện đủ các hồ sơ, thủ tục là chưa đúng quy định của pháp luật và yêu cầu tại Giấy phép khai thác số 1019/GP-BTNMT ngày 27/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chưa tuân thủ các yêu cầu dừng hoạt động của địa phương qua đợt kiểm tra ngày 3/6/2015 (trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận có Công văn số 1912/STNMT – TNKS ngày 1/7/2015 yêu cầu công ty chưa thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản mỏ và khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ Nam Suối Nhum; khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật và Giấy phép được cấp trước khi tiến hành khai thác khoáng sản) và yêu cầu dừng khai thác, hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Biên bản kiểm tra các đợt: ngày 1/7/2015, ngày 28/9/2015 và ngày 4/3/2016 (trong đó, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 5/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty số tiền 84 triệu đồng về các hành vi: “Chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản suất” và “khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm không có giấy phép theo quy định).

Về việc thực hiện kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Công ty đã nộp phạt đầy đủ số tiền 84 triệu đồng ngày 14/4/2016 theo Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa dừng việc chạy thử máy móc, thiết bị, đồng thời tiếp tục mở thêm 1 moong chứa nước để chuẩn bị khai thác (đây là vị trí đã xảy ra sự cố vỡ bờ moong ngày 16/6/2016), trong khi vẫn chưa hoàn tất các thủ tục còn thiếu trước khi đi vào khai thác theo quy định. Qua đây cho thấy điều kiện về địa chất và nguồn nước để cung cấp cho việc khai thác, tách tuyển sa khoáng titan tại khu vực này là không phù hợp nếu sử dụng phương thức khai thác thô sơ như hiện nay.

Các công việc cần tập trung xử lý, khắc phục tiếp theo và kiến nghị:

Các biện pháp tập trung xử lý, khắc phục hậu quả:

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền trong việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát Công ty Tân Quang Cường thực hiện dừng toàn bộ hoạt động, triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại gây ra.

Theo đề nghị của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Tân Quang Cường đối với các hành vi mà Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính ngày 18/6/2016.

Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân trong công tác quản lý nhà nước có liên quan đến sai phạm để xảy ra sự cố nêu trên; đồng thời, chỉ đạo phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát toàn diện các dự án khai thác titan khác trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, không để xảy ra sai phạm, sự cố tương tự.

Kiến nghị:

Đối với hoạt động khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường tại khu vực mỏ Nam Suối Nhum theo Giấy phép số 1019/GP-BTNMT ngày 27/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá toàn diện về dự án và tình hình triển khai dự án của công ty kể từ khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác đến nay; làm rõ các sai phạm của công ty thời gian qua và tính khả thi về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; khả năng cung cấp nước cho hoạt động khai thác; an toàn của khu vực mỏ…; Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng hoặc việc khai thác mỏ không khả thi, không an toàn thì thu hồi giấy phép khai thác đã cấp.

Đối với hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, đánh giá sâu kỹ các tác động của việc cấp các giấy phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua và thời gian tới phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh Bình Thuận là khô hạn, nắng gió nhiều, nguồn nước mặt, nước ngầm khan hiếm, các mỏ titan đều nằm ven biển, gần các khu dân cư, khu du lịch, có địa hình cao hơn so với các dự án, khu dân cư xung quanh… đồng thời, phải đảm bảo công nghệ khai thác phù hợp, gắn với chế biến sâu, có hiệu quả về kinh tế - xã hội, an toàn trong khai thác mỏ, không để xảy ra các sự cố môi trường tương tự, hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, cuộc sống của người dân, các dự án khác và tình hình trật tự, an ninh, xã hội của tỉnh. Quá trình cấp phép khai thác cần đánh giá kỹ nhu cầu thị trường để có tiến độ cấp phép khai thác phù hợp, đảm bảo các dự án khai thác khoáng sản đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Nơi nào chưa đủ các điều kiện khai thác thì đưa vào dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Mở lối” cho du lịch phát triển
Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Chính vì thế, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian đi lại của du khách khi đến với Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện dự án khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường