Theo dõi trên

Bình Thuận hướng tới điểm đến du lịch mang tầm quốc tế

04/03/2022, 15:39

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đặt quyết tâm cao nhất nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở VHTTDL đã có cuộc trao đổi với Báo Bình Thuận nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022.

Thưa bà, bà có thể cho biết ngành du lịch của tỉnh bị tác động như thế nào bởi dịch Covid-19?

so-vh.jpg
Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở VHTTDL.

Bà Nguyễn Lan Ngọc: Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch trên thế giới, cũng như tại Việt Nam, trong đó có Bình Thuận. Hiện nay các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch đang chịu áp lực từ nhiều phía, đó là chi phí giữ người lao động, chi phí quản lý; trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc; chi phí cho phòng, chống dịch Covid-19 và đặc biệt là các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như BHXH, Y tế, Công đoàn... Bên cạnh đó, tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong giai đoạn Covid-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh hầu như ngưng hoạt động từ tháng 2/2020.

Tại các điểm tham quan du lịch cũng đã thực hiện việc đóng cửa ngay khi dịch bùng phát, sau đó được mở cửa đón khách với việc thực hiện phòng, chống dịch. Qua nắm bắt tình hình thực tế, hiện nay đã có nhiều cơ sở lưu trú đã bắt đầu đón khách trở lại sau khi đã được phê duyệt kế hoạch đón khách và đảm bảo được việc mở cửa an toàn trong phòng chống dịch. Đồng thời một số cơ sở cố gắng sửa chữa cải tạo cảnh quan, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, duy trì hoạt động để phục vụ khách hiện có và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tất cả đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Du lịch Bình Thuận đã có phương án khôi phục và có chương trình kích cầu, tổ chức hoạt động du lịch trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như thế nào, thưa bà?

so-vh-1.jpg
Lướt ván buồm ở biển Hàm Tiến. Ảnh: N.Lân

Bà Nguyễn Lan Ngọc: Việc phục hồi và phát triển ngành du lịch Bình Thuận để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay là một bài toán khó, cần phải có các giải pháp thỏa đáng và cách làm phù hợp, linh hoạt, sáng tạo. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực và quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm của toàn ngành du lịch, các hoạt động du lịch đang dần từng bước tái khởi động lại theo lộ trình. Bước đi được tính toán thận trọng theo từng mốc thời điểm rõ ràng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”. Gần đây nhất, tỉnh ta đã triển khai chương trình phục hồi du lịch nội địa đối với các cơ sở đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 2780 của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Sở VHTTDL từ ngày 24/10/2021. Đồng thời đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Đến nay, Sở VHTTDL đã phê duyệt kế hoạch đón và phục vụ khách của 52 cơ sở lưu trú du lịch.

Do tác động của dịch Covid-19, các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở thị trường quốc tế bị ảnh hưởng. Thay vào đó, ngành đã đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng các chương trình xúc tiến tại chỗ hướng tới thị trường nội địa. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 3 chuyến khảo sát tại các địa phương: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam để khảo sát, truyền thông những “điểm đến” hấp dẫn, những sản phẩm du lịch mới lạ. Cùng với đó, Sở đã triển khai nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nhu cầu, xu hướng đi du lịch trong thời gian tới và xác định thị trường tiềm năng cả trong nước và quốc tế để có chiến lược xúc tiến, quảng bá thu hút du khách. Tham gia gian hàng trực tuyến giới thiệu quảng bá du lịch Bình Thuận tại Hội chợ du lịch Busan (Hàn Quốc), Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh… Mặt khác, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được thực hiện tích cực cũng góp phần khôi phục lại ngành du lịch. Tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến với sự giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm trong nước. Bên cạnh đó, nhằm từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, hiện tại Sở đang xây dựng dự thảo phương án đón khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung tỉnh Bình Thuận vào danh sách các địa phương được đón khách du lịch quốc tế.

Thưa bà, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở VHTTDL sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Bà Nguyễn Lan Ngọc: Cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới gắn với triển khai Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) ban hành về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch Bình Thuận. Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng tập trung vào các loại hình: Du lịch biển, thể thao, giải trí, du lịch văn hóa... Song song, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch. Tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến để đưa thương hiệu Bình Thuận thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí xét tặng, công nhận danh hiệu “Du lịch xanh” để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Mặt khác, hoàn thiện hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh về du lịch. Khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19…

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

TRÂM ANH (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chính phủ yêu cầu sớm khôi phục chính sách miễn thị thực
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao khẩn trương có tờ trình Chính phủ về việc áp dụng chính sách thị thực như trước khi có đại dịch Covid-19.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận hướng tới điểm đến du lịch mang tầm quốc tế