Trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, Bộ Công Thương có giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Ninh Thuận tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo trên địa bàn hai tỉnh. Bao gồm 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi, 1 phiên chợ hàng Việt về hải đảo với quy mô từ 20 - 30 gian hàng/phiên chợ và thu hút 10 - 15 doanh nghiệp tham gia mỗi phiên chợ.
Liên quan nội dung này, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận vừa có thông báo và mời các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh trong lẫn ngoài tỉnh đăng ký tham gia. Cụ thể: Phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được tổ chức từ ngày 28 - 30/8 tới đây tại tại xã Phước Đại, huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Tiếp đó, Phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Ninh Sơn sẽ diễn ra từ ngày 4 - 6/9/2024 tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Riêng trên địa bàn Bình Thuận, các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức Phiên chợ hàng Việt về hải đảo huyện Phú Quý (từ ngày 10 - 12/9/2024) và Phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Bắc Bình (từ ngày 27 - 29/9/2024).
Được biết, đối tượng tham gia phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật và các đối tượng khác không được hỗ trợ kinh phí. Theo yêu cầu, hàng hóa phục vụ mua sắm tại phiên chợ phải có xuất xứ tại Việt Nam, dán nhãn mác đầy đủ theo quy định của pháp luật và được niêm yết giá rõ ràng. Trong đó tập trung vào các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng: Lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, nước mắm, nước giải khát, quần áo thời trang, chăn gối nệm, giày dép, hóa mỹ phẩm, dịch vụ viễn thông và một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp (máy công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, giống cây trồng…).
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức nhằm tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động này trong tình hình mới. Thông qua liên kết xúc tiến thương mại còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng và hướng đến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới phù hợp thị trường khu vực miền núi, hải đảo.