Theo dõi trên

Bình Thuận quyết liệt kiểm soát tàu “3 không”

08/04/2024, 05:32

Là một trong những tỉnh có số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) nhiều nhất nước với hơn 2.000 chiếc, đã gây khó khăn trực tiếp cho việc kiểm soát, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Bình Thuận là tỉnh đã tiên phong hoàn thành việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không” - là một trong những khuyến cáo quan trọng mà đoàn Thanh tra EC sẽ kiểm tra lần 5 sắp tới đây.

Bình Thuận hiện có 8.317 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên hoạt động khai thác thủy sản. Số lượng tàu đăng ký là 5.937 chiếc, trong đó tàu khai thác vùng khơi 1.960 chiếc, tàu khai thác vùng lộng 1.902 chiếc, tàu khai thác vùng bờ là 2.075 chiếc. Đặc biệt, số tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh (tàu cá “3 không”) là 2.380 chiếc. Việc quản lý tàu cá dựa trên hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã tạo sự thay đổi lớn trong quản lý nghề cá, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng chuyên ngành và của chính quyền các cấp trong quản lý đội tàu cá tại địa phương. Tuy vậy, bên cạnh việc thực hiện hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ khá sát với thực tế (đạt 99,2%) thì việc thực hiện hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng, vùng bờ do UBND tỉnh công bố còn thấp (đạt 84,67% hạn ngạch cấp cho vùng lộng và chỉ đạt 39,84% hạn ngạch cấp cho vùng bờ). Nguyên nhân do số lượng tàu cá “3 không” hoạt động tại vùng bờ khá lớn, nhưng không đáp ứng các điều kiện, thủ tục để thực hiện đăng ký tàu cá chính thức, nên chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Sau nửa tháng quyết liệt, tập trung nguồn lực nhằm triển khai công tác đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” đang hoạt động, đến nay 2.380 tàu cá “3 không” trong toàn tỉnh đã được cấp đăng ký tạm để theo dõi, quản lý trước khi Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực thi hành.

cang-ca-la-gi-anh-ngoc-lan-3-.jpg
Bình Thuận có hơn 8.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Ảnh: N.Lân

Để đảm bảo cho tất cả các tàu cá trong tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho tỉnh Bình Thuận. Tại Quyết định 1223 ngày 23/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bình Thuận được phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi là 1.940 giấy phép. Đến nay đã cấp 1.921 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, số lượng hạn ngạch chưa sử dụng là 19 giấy phép.

z4341092285805_461696379041a915032ec42058ddbf58.jpg
Số lượng tàu cá “3 không” của tỉnh hoạt động tại vùng bờ khá lớn.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt việc rà soát, thống kê, lập danh sách tàu cá “3 không” để kiểm soát, xử lý. Qua rà soát, có 77 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên thuộc diện “3 không” (chưa thực hiện đăng ký). Để đảm bảo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cấp cho số tàu cá này, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, cấp bổ sung cho tỉnh Bình Thuận 77 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi. Như vậy, tổng hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi của tỉnh sau điều chỉnh, bổ sung là 2.017 giấy phép. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu cá “3 không” để đưa vào quản lý, kéo giảm số tàu cá vi phạm khai thác IUU.

z5322553825180_b21b8fc31090a17e1e6d6bafed5dc5a6.jpg
Hơn 2.000 tàu “3 không” trong tỉnh đã được cấp đăng ký tạm để theo dõi, quản lý.

Đợt thanh tra lần thứ 5 của EC vào tháng 4/2024 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ thẻ vàng trước khi EU bầu cử, vì thế rất cần những giải pháp tổng lực, tạo chuyển biến thực chất trong công tác chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên đã được đăng ký, được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đã được cơ quan chức năng trong tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) theo đúng quy định.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chống khai thác IUU: Lần thứ 5 sẽ là thời điểm quyết định để gỡ “thẻ vàng”
Đầu tháng 2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận quyết liệt kiểm soát tàu “3 không”