Quyết liệt triển khai
Hòa giải là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân với tư cách là người thứ ba (người hòa giải) hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên có tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự một cách ổn thỏa... Những tranh chấp ấy rất phức tạp, thường xảy ra hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người. Bởi vậy hòa giải đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, 10 năm qua kể từ ngày Luật Hòa giải cơ sở đi vào đời sống, Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản thực hiện, trọng tâm là Quyết định số 758 về việc ban hành kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở ấy, UBND các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt triển khai. Trong đó Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã cụ thể hóa quyết định, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai trong hệ thống và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp. Đồng thời chỉ đạo cho Sở Tư pháp tổ chức hội nghị, biên soạn, phát hành tài liệu Luật Hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL)…
Mang lại hiệu quả
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chất lượng các tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên và hoạt động ngày càng hiệu quả. Qua 10 năm đã giải quyết 19.645 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành 14.982 vụ việc (đạt tỷ lệ 76,26 %), hòa giải không thành 4.663 vụ việc (đạt tỷ lệ 23,74 %). Các vụ việc chủ yếu là tranh chấp, mâu thuẫn liên quan lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ… quyền sở hữu, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa người trong gia đình, dòng họ với nhau.
Cho đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó góp phần ổn định chính trị ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Song, vẫn còn địa phương chưa thực sự quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải do kinh phí hoạt động hạn hẹp. UBND tỉnh nhấn mạnh, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Chú trọng quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí, động viên, khích lệ đội ngũ hòa giải viên tích cực tham gia hòa giải. Tuy vậy, để gỡ khó cho các địa phương, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng nghiên cứu kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Hòa giải ở cơ sở. Cụ thể “Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 6: Ngân sách Trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, cho phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm.
Theo số liệu thống kê đến năm 2022, toàn tỉnh có 694 tổ hòa giải với 4.295 hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ có từ 5 - 8 tổ viên tùy theo đặc điểm cụ thể của từng địa bàn dân cư.