Theo dõi trên

Những trăn trở của hòa giải viên cơ sở

07/09/2022, 05:42

Hòa giải ở cơ sở là công việc rất quan trọng góp phần giảm đơn thư khiếu nại và nâng cao nhận thức của người dân, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn dân cư. Do vậy, cần quan tâm hòa giải viên cơ sở về chế độ thù lao, hỗ trợ.

img_1153.jpg
Một trong những cuộc hòa giải ở cơ sở.

Trực tiếp giải quyết xung đột

Cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hàng loạt các tranh chấp, vướng mắc xảy ra trong gia đình, hàng xóm, láng giềng và cộng đồng dân cư. Nhiều mâu thuẫn nếu không sớm được dàn xếp ổn thỏa rất dễ trở thành những “ngòi nổ” xung đột, ẩu đả. Có trường hợp, chỉ vì tranh chấp di sản thừa kế mà anh em xô xát; hàng xóm chửi bới, hành hung nhau vì vài chục phân đất; vợ chồng lôi nhau ra tòa kiện tụng, ly hôn. Tại nhiều địa bàn, chính quyền tích cực chỉ đạo trưởng thôn, khu phố nắm bắt tình hình, khi phát hiện những tranh chấp, mâu thuẫn hòa giải kịp thời ngăn chặn điều đáng tiếc xảy ra và đơn thư vượt cấp. Bà Chế Thị Thanh Xuân – Trưởng Khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, kiêm Bí thư Chi bộ khu phố và Tổ trưởng Tổ hòa giải, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc xảy ra trong khu phố cho biết, ngày nào cũng phải đi, có khi đến 9 giờ tối mới về đến nhà, cũng có khi nửa đêm đang ngủ điện thoại reo cũng phải dậy đi giải quyết vụ việc. Từ đầu năm đến nay đã hòa giải thành 8 vụ có đơn, khoảng 12 vụ không đơn tại nhà. Những vụ hòa giải thành chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn gia đình, đường đi lối lại, tranh chấp đất đai, mồ mả...

Theo bà Xuân cũng như những tổ trưởng tổ hòa giải kiêm trưởng thôn, khu phố khác, hàng năm tiếp nhận rất nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột tại nhà bất kể giờ giấc và nỗ lực hòa giải. Bởi quy định hiện nay khi có sự việc xảy ra phải hòa giải kịp thời để không có đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, nên những người làm công tác thôn hết sức vất vả.

Trăn trở

Những vụ hòa giải có đơn thường không nhiều bằng những vụ không đơn tại nhà. Theo đó, sau khi nhận đơn của người dân, Tổ hòa giải gồm trưởng thôn, khu phố, đại diện Mặt trận, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, những người uy tín, tổ chức mời các bên nguyên đơn và bị đơn đến hòa giải.

Những lần tổ chức hòa giải như vậy thì hòa giải viên sẽ nhận được tiền thù lao 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải theo tinh thần Quyết định 09/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đó là những vụ việc có đơn được tổ chức cuộc hòa giải, ngoài ra những vụ, việc khác thì không có chế độ. Đây là mối trăn trở của Tổ hòa giải thôn, khu phố, những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nỗ lực giải quyết những vụ, việc tại thôn, xóm, khu phố để không nảy sinh đơn thư, khiếu nại vượt cấp. “Một năm giải quyết rất nhiều vụ, nhưng hầu như vụ nào cũng thành công ngay khi xảy ra. Làm công tác này chủ yếu vì cái tâm, nhưng nhiều khi áy náy với vợ con vì bỏ công ăn việc làm ở nhà đi làm chuyện trong nhà, ngoài ngõ... chưa kể nửa đêm người dân gọi điện cũng phải đi, ảnh hưởng giấc ngủ của người thân”, ông Nguyễn V.B, trưởng một thôn ở Bắc Bình chia sẻ.

Theo đó, cần được quan tâm đến hòa giải viên cơ sở, bởi công việc này không phải ai cũng làm được mà phải là người chịu khó, kiên nhẫn. "Khi tiến hành xử lý vụ việc cụ thể nào đó, họ thường tìm hiểu kỹ nội dung vụ việc, kết hợp với khả năng diễn giải, phân tích cộng với thái độ ân cần, từ đó dễ đạt kết quả hòa giải thành công. Mỗi vụ việc được hòa giải góp phần làm giảm bớt các nguy cơ vi phạm, tội phạm, ngăn chặn những vụ bạo lực gia đình, các việc gây gổ, mất đoàn kết trên địa bàn dân cư. Không ít trưởng thôn, khu phố rất nhiệt tình, tích cực công tác, không quản ngại mưa nắng, đường sá xa xôi đến tận các gia đình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là “cầu nối” giải tỏa những bất hòa, xích mích, ông Nguyễn Việt Thảo – một cán bộ công chức thị trấn Lương Sơn chia sẻ nỗi khổ của các trưởng thôn, khu phố tham gia làm công tác hòa giải.

Thông tư Liên tịch Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nêu rõ, chi thù lao cho hòa giải viên, những người trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hơn 6,3 tỷ đồng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở
BT - Năm 2019, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh, xem đó là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó đã tập trung kinh phí phục vụ công tác này hơn 6,3 tỷ đồng.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những trăn trở của hòa giải viên cơ sở