Ngay trong tuần sinh hoạt công dân trước khi vào chương trình học chính thức, nội dung tham gia giao thông an toàn được Ban quản lý nề nếp Trường THPT Phan Thiết ưu tiên phổ biến cho gần 2.000 học sinh. Là ngôi trường có điểm giao 2 tuyến đường Trần Hưng Đạo và Võ Thị Sáu, lưu lượng xe qua lại luôn nhộn nhịp. Vì thế Trường THPT Phan Thiết đưa ra giải pháp phối hợp Tổ dân phòng phường Bình Hưng hướng dẫn phân luồng giao thông vào đầu giờ học và sau khi tan trường. Song song đó, lựa chọn mỗi lớp 2 thành viên vào Đội xung kích trường học cùng với thầy cô nhắc nhở, ghi lại những trường hợp không đội mũ bảo hiểm (MBH), hướng dẫn phụ huynh đậu xe đúng nơi quy định… Thông qua xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn”, những năm học gần đây trường không ghi nhận học sinh vi phạm ATGT, tình trạng ùn tắc giảm hẳn. Năm học 2022 – 2023 này, 100% học sinh và phụ huynh đồng ý ký cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi đến trường, cho con sử dụng xe đúng lứa tuổi.
Tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP. Phan Thiết, không chỉ có học sinh sinh sống trong nội thành theo học mà nhiều gia đình ở các xã vùng ven như Hàm Hiệp, Hàm Chính, Phú Long (Hàm Thuận Bắc), Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) cũng cho con xuống học và đi về trong ngày. Để thuận tiện đi lại, phụ huynh trang bị cho các em những chiếc xe máy điện, mô tô dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Do đó, những ngày đầu vào học, các trường đều đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở học sinh về quy tắc tham gia giao thông, trước hết tự mình phải đảm bảo an toàn khi đi đến trường và về nhà. Có kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền miệng, hình ảnh trực quan, video clip và lập danh sách khi học sinh vi phạm gửi về trường. Ngoài ra, giao cho Đoàn Thanh niên rà soát, kiểm tra việc sử dụng xe máy đúng phân khối và xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền ngoại khóa ATGT trong tháng 9 bằng các hình thức như tiểu phẩm, xây dựng câu hỏi tình huống…
Thực tế hiện nay, việc phụ huynh đưa đón con em bằng xe ô tô tăng hơn so với trước, trong khi lộ giới chưa được mở rộng, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Giờ tan học, xe ô tô, xe gắn máy tranh nhau tìm chỗ đậu dưới lòng đường, lề đường khi học sinh đồng loạt tan trường, cũng là nguyên nhân gây mất trật tự, ùn tắc xung quanh khu vực.
Để giảm cảnh “dồn ứ” trước cổng trường, thầy Huỳnh Vĩnh Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thủy 1 chia sẻ: Do trường nằm gần các cơ sở lưu trú, ngã tư, khu kinh doanh sầm uất, vì thế công tác tuyên truyền trực quan bằng pano, hình ảnh luôn được ưu tiên. Mỗi năm đều có hơn 1.000 học sinh theo học, nên nhà trường linh hoạt sắp xếp giờ tan học của mỗi khối lớp lệch nhau 10 phút và phân ra từng khu vực đưa đón ở cổng chính, cổng phụ. Kẻ vạch và thông báo phụ huynh đưa đón bảo đảm giờ giấc, đậu xe đúng nơi quy định, không chở quá nhiều học sinh, trang bị MBH cho các em khi ngồi trên xe máy. Ngoài ra dành một quỹ đất nhất định trong sân trường để phụ huynh vào đón học sinh.
Đảm bảo ATGT cho học sinh, đảm bảo ATGT trước cổng trường học là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, không nên dừng lại ở việc giáo dục của nhà trường và lực lượng chức năng mà gia đình cũng cần nhắc nhở con em thực hiện tốt các quy định. Bản thân phụ huynh cần là tấm gương tốt chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, xóa bỏ thói quen tùy tiện. Có như vậy mới phòng ngừa được tai nạn giao thông xảy ra.
Theo quy định hiện hành, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu điều khiển mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Không chỉ người lái xe chưa đủ tuổi bị phạt, chủ xe cho người chưa đủ tuổi mượn xe tham gia giao thông cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.