Theo dõi trên

Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo

15/05/2023, 07:12

Năm 2022, Bình Thuận đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững và đã đạt được kết quả khả quan. Trong năm có 2.030 hộ thoát nghèo, tức giảm 0,62% so với đầu năm. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2023 này Bình Thuận phấn đấu sẽ tiếp tục giảm 0,52% tỷ lệ hộ nghèo.

dsc_9712.jpg
Nông dân thu hoạch thanh long
dsc_4311.jpg
 Chăn nuôi bò vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Thạnh - Hàm Thuận Nam.

Trong năm 2022, tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt. Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở được triển khai kịp thời. Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bình Thuận đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất. Toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ vươn lên thoát nghèo.

dsc_4305.jpg
Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có sự thay đổi rõ rệt.

Mỹ Thạnh là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam, đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, cộng với lối canh tác lạc hậu khiến sản xuất nông nghiệp không đạt hiệu quả cao, thu nhập của người dân bấp bênh. Vì vậy tỷ lệ hộ nghèo ở xã miền núi này thuộc diện cao nhất trong tỉnh. Nhiều chính sách đặc thù, cùng với các dự án đầu tư được triển khai tại địa phương để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Tháng 10/2022 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho 5 hộ gia đình nuôi bò, mỗi hộ nhận 1 con, với tổng kinh phí thực hiện 180 triệu đồng. Đây được xem là giải pháp quan trọng để người dân thoát nghèo và về lâu dài là để họ không tái nghèo như trước kia.

Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh còn ở mức cao, nhất là vùng nông thôn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng chính sách xã hội là rất cần thiết, giúp hộ vay mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Từ đó giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện mức sống, từng bước thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 cho thấy, Bình Thuận còn 8.659 hộ nghèo (chiếm 2,58% so với tổng số hộ toàn tỉnh) và 14.355 hộ, chiếm 4,27% hộ cận nghèo (chiếm 4,27% so với tổng số hộ toàn tỉnh). Trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 32,35%. Kết quả trên có được là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh cũng như quan tâm, chăm lo hỗ trợ về y tế, giáo dục… Năm 2023, Bình Thuận phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,06%, tức giảm 0,52% so cuối năm 2022.

Kinh tế - xã hội của Bình Thuận ngày càng phát triển, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có sự thay đổi rõ rệt, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở các vùng miền, khu vực dần thu hẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tin tưởng rằng, trong năm 2023, Bình Thuận sẽ thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo chỉ tiêu đã đề ra.

ĐÌNH HÒA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thông qua kế hoạch vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
BTO - Sáng 9/5, tại kỳ họp thứ 14 (chuyên đề) - HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh năm 2023 với tổng số tiền là 215.348 triệu đồng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo