BT- Đi dọc tuyến đường ven biển, rồi băng đèo vượt rừng đến các xã vùng cao nhìn lại toàn bộ vùng đất Bình Thuận mới cảm nhận hết cảnh đẹp thiên nhiên.
Một góc phong cảnh thiên nhiên Bình Thuận. Ảnh: Đình Hòa |
Vẻ đẹp của biển...
Nếu ngắm phong cảnh biển thì đi dọc cung đường ven biển uốn lượn quanh co thuộc địa giới hành chính của 5 huyện, thị gồm Hàm Tân, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết, Bắc Bình và Tuy Phong. Nơi đây còn nhiều điểm hoang sơ với những làng chài nép mình bên bờ biển, quanh năm đợi những đứa con của làng ra khơi trở về. Nhưng theo thời gian, nhiều nơi đã đô thị hóa, nhiều tòa cao tầng, khu nghỉ dưỡng, dự án địa ốc san sát, hàng ngàn người trong và ngoài nước đã đến nghỉ dưỡng, sinh sống và học tập. Toàn tuyến tựa như bức tranh, tạo đà phát triển du lịch theo chủ trương của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong bối cảnh nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao. Du lịch đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống khi mà ai cũng muốn tìm cho mình một nơi thật yên tĩnh, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành để nghỉ ngơi, thư giãn.
Theo nhiều nghiên cứu đăng tải trên các trang mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn được ưa chuộng hơn vì ở biển thoải mái, bình yên và thoáng đãng hơn, chưa kể tắm biển mang lại sức khỏe. Du khách đến nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, ngoài được đắm chìm trong làn nước trong xanh của biển cả, ngắm những cánh diều no gió của du khách Tây thích cảm giác mạnh, những đồi cát biến đổi theo gió quanh năm, còn được hòa mình với ngư dân lựa chọn hải đặc sản ở những cảng biển, sau đó thưởng thức hải đặc sản tươi ngon. Trong những chuyến công tác ở Mũi Né, chúng tôi gặp không ít du khách cả Tây lẫn ta đều tấm tắc khen phong cảnh biển Bình Thuận đẹp. “Phong cảnh ở đây còn hoang sơ rất đẹp, không như nhiều nơi khác đô thị hóa dày đặc, những tòa bê tông mất vẻ đẹp tự nhiên”, ông Nguyễn Trọng Anh, một du khách Hà Nội nói khi đến Mũi Né nghỉ dưỡng.
... và của rừng
Cùng với trải nghiệm du lịch biển, du khách có thể trải nghiệm du lịch sinh thái rừng. Nhiều khu vực vùng cao giáp Lâm Đồng - tỉnh phát triển mạnh về du lịch sinh thái rừng, như Đông Giang, La Dạ, Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); Tà Năng - Phan Dũng (huyện Tuy Phong); Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) còn hoang sơ. Nơi đây có những tuyến đường uốn lượn quanh co theo địa hình lồi lõm của núi đồi, từ nhiều năm qua các phượt thủ đã đổ về chinh phục và thưởng ngoạn và đa số đều có cảm giác không hối hận với chuyến đi. “Đi rồi mới biết phong cảnh Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng rất đẹp. Thích nhất cảm giác leo lên đến đỉnh đèo nhìn cảnh núi đồi, nhất là buổi sớm mai khi ánh bình minh chan hòa trên hoa lá và hạ màn khi ráng chiều buông”, Hoàng Trung Quân, một phượt thủ từ TP. Hồ Chí Minh cùng một nhóm bạn chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng chia sẻ. Một phượt thủ khác đã diễn tả chuyến chinh phục Tà Năng - Phan Dũng, Đa Mi: “Bắt đầu xuất phát trên những tuyến đường từ các xã ở Lâm Đồng, đi qua nhiều dạng địa hình lồi lõm ngắm những sinh cảnh nối tiếp nhau như ruộng lúa, đồi cà phê, rừng nguyên sinh, đồi cỏ khi về xã Phan Dũng và Đông Tiến. Những tuyến đường như sợi dây gắn kết giữa người con của rừng và biển cả. Suốt chặng đường, bạn sẽ có cảm giác rơi vào trạng thái phấn khích, tim như muốn ngừng đập, mắt chữ O, miệng chữ A và chỉ muốn hét lên, Woa, đẹp quá!”.
Cũng như biển nuôi lớn ngư dân bằng những chuyến ra khơi, rừng nuôi lớn đồng bào bằng trồng trọt. Người đồng bào thường lên nương từ sáng sớm, trở về khi mặt trời khuất núi. Môi trường vùng cao như cách biệt với thế giới bên ngoài, tạo nên vẻ đẹp tâm hồn người dân vùng cao cực đôn hậu.
Nhiều thế mạnh để phát triển
Ngoài vẻ đẹp của biển, núi rừng thiên nhiên ưu ái “ban tặng”, Bình Thuận còn có khí hậu ôn hòa nắng ấm quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ khoảng 27 độ C. Cũng như nhiều tỉnh, thành Nam Trung bộ khác, Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo thừa nắng nhiều gió. Phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, không có mùa đông. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 - 10 và tiếp theo là mùa khô từ tháng 11 - 4 năm sau. Tuy nhiên, thực tế lượng mưa rất ít, chủ yếu là nắng, hầu như ít có bão, nhiều cơn bão lớn dự báo đổ bộ vào Bình Thuận, nhưng đều chuyển hướng đi nơi khác. Cứ sau những lần ấy, người Bình Thuận, nhất là người lớn tuổi nói vui: Bình Thuận có Tà Zôn, Tà Cú và Tà Dụ... nên đã cản bão bảo vệ vùng đất.
Vẻ đẹp của biển và núi rừng cộng với khí hậu ôn hòa đã làm nên một Bình Thuận thuận lợi “đủ đường” cho phát triển mọi mặt như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch và nhất là du lịch. Bình Thuận hiện chỉ gặp khó về đường sá giao thông gắn kết với các tỉnh, thành, nhưng trong tương lai sẽ thuận hơn vì đường cao tốc Bắc -Nam và sân bay Phan Thiết hình thành.
Ninh Chinh