Theo Quyết định ban hành của UBND tỉnh vừa có hiệu lực từ cuối tháng 3/2022, chương trình xúc tiến đầu tư năm nay của địa phương xác định mục tiêu: Tập trung kêu gọi các dự án du lịch và khu vui chơi - giải trí cao cấp, dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư những dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý gắn với đảm bảo tuyệt đối các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển - đảo nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển Bình Thuận. Bên cạnh đó còn kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, nhất là hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ lĩnh vực du lịch vào ban đêm để thúc đẩy kinh tế ban đêm ở địa phương…
Cùng với đó sẽ tích cực kêu gọi, thu hút vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với dự án đầu tư thứ cấp sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo thân thiện môi trường. Bao gồm các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy - hải sản, chế biến sâu các loại khoáng sản, chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than như vật liệu xây dựng phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng không nung, sản phẩm làm đường giao thông… Hoặc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện - điện tử, mở rộng và phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi, đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng.
Trong năm nay Bình Thuận còn xúc tiến kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, bảo quản sau thu hoạch…) và xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao.
Triển khai chương trình xúc tiến đầu tư, tới đây địa phương tăng cường kết nối trực tuyến các diễn đàn, hội nghị, hội thảo thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài về nghiên cứu, đánh giá xu hướng đầu tư của đối tác. Trong đó tập trung chọn lọc những nhà đầu tư có năng lực từ các thị trường truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ hay châu Âu… Trước tình hình dịch Covid - 19 còn kéo dài, công tác này cũng tính đến áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động tuyên truyền xúc tiến đầu tư thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn trực tuyến. Theo đó nội dung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu yêu cầu có trọng tâm, gắn với mục tiêu phát triển từng lĩnh vực cụ thể và có định hướng rõ ràng về việc kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng.
Với hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thì chú trọng thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư nhằm chủ động tháo gỡ, hoặc đề xuất cấp thẩm quyền gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Chương trình xúc tiến đầu tư của Bình Thuận được triển khai trong năm nay cũng hướng đến đảm bảo an ninh, quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Mặt khác tận dụng được lợi thế của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn Bình Thuận) để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng logistics tạo giá trị cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…