Theo dõi trên

Bức xúc tình trạng ăn xin tái diễn

30/06/2020, 09:41

BT- Một thời gian dài vắng bóng người ăn xin ngồi ở các ngã tư đường, cổng chùa, chợ, nhưng nay lại thấy xuất hiện. Hình ảnh này làm xấu đi bộ mặt thành phố, khiến nhiều người dân bức xúc. 

Tái xuất hiện

Gần đây người tham gia giao thông trên các tuyến đường dễ dàng bắt gặp những người ăn xin ngồi ở các ngã tư đường xin tiền. Hình ảnh này không chỉ làm xấu đi bộ mặt thành phố, mà khiến người đi đường ái ngại. Ông Nguyễn Thanh Hải ở phường Thanh Hải, Phan Thiết bức xúc liệt kê từng điểm người ăn xin ngồi hoạt động nhìn rất phản cảm, như ngồi ngay ngã tư Trần Hưng Đạo – Thủ Khoa Huân gần chùa Giác Hoa, hoặc ngồi ở ngã tư Tôn Đức Thắng – Thủ Khoa Huân gần Phòng trồng răng Sài Gòn Kim Cương.

Qua những phản ánh của người dân, chúng tôi theo dõi, quan sát nhiều ngày thấy người dân phản ánh là có cơ sở. Người ăn xin không chỉ ngồi ở các địa điểm trên mà còn ngồi ở ngã tư Tuyên Quang – Võ Văn Kiệt gần Công viên Võ Văn Kiệt, cầu Lê Hồng Phong. Họ không ngồi cố định mà di chuyển nay chỗ này, mai chỗ khác. Dường như người ăn xin thường tìm chỗ đông người hoạt động như ở các ngã tư đường, chợ, cổng chùa vào những ngày rằm, mùng 1. Một cách như có tính toán, chủ ý  “đánh” vào lòng nhân ái của nhiều người, không nỡ làm ngơ khi thấy một người tàn tật, đau yếu, đói khổ đang cầu xin giúp đỡ. Vấn nạn ăn xin từng một thời gian hoạt động mạnh ở nhiều nơi và được các cấp, ngành quan tâm giải quyết vì liên quan bộ mặt thành phố du lịch. Tuy nhiên, hiện nay đang có chiều hướng gia tăng cần có biện pháp ngăn chặn. 

Cần xử lý triệt để

Thành phố biển Phan Thiết đang hướng đến đô thị xanh, sạch, đẹp, không để tiếp diễn tình trạng những người ăn xin lang thang khắp các nơi. Việc có những người ăn xin ngồi lê lết ngửa nón, chìa tay xin tiền của người đi đường nhìn rất phản cảm, gây khó xử cho người khác. Vì không cho thì lại cho là vô cảm, mà cho thì lo ngại lòng tốt của mình bị lợi dụng. Bởi có những người chuyên giở những chiêu trò lừa dối, giả tàn tật để đi ăn xin hoặc biết đâu có những kẻ cầm đầu đang ngồi ở một góc nào đó điều khiển những đứa trẻ đi xin. Để loại bỏ vấn nạn ăn xin, ngoài sự vào cuộc của cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng liên quan, thì cần có sự chung sức chung lòng của toàn - xã hội. Người dân tuyệt đối không tùy tiện móc “hầu bao” cho một cách vô tư, sẽ vô tình tiếp tay cho một bộ phận người lười lao động. Được biết, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội những năm qua đã nỗ lực với nhiều chính sách, chương trình chăm lo cho người nghèo với nhiều việc làm cụ thể. Người nghèo, tàn tật, các cụ già neo đơn... được giúp đỡ tận tình và được bảo trợ xã hội. Vậy vì sao nạn ăn xin cứ liên tục tái diễn?

Giữa năm qua, UBND tỉnh ban hành quyết định về quy trình rà soát, phân loại và tập trung xử lý người lang thang ăn xin trên địa bàn tỉnh. Tại quyết định có giao cụ thể cho các cơ quan, ban ngành gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố... thực hiện. Trong quy trình rà soát, phân loại và tập trung xử lý có yêu cầu: Thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại và tập trung, xử lý người lang thang ăn xin tại các địa bàn xã, phường, thị trấn khi phát hiện có người lang thang ăn xin. Tuy nhiên, hiện nay người ăn xin vẫn tái diễn, do vậy cần khắc phục những mặt chưa được trong việc giải quyết, để đô thị văn minh và phát triển du lịch.

    
      Theo công tác chỉ đạo trong quyết định về quy trình rà soát, phân loại   và tập trung xử lý người lang thang ăn xin của UBND tỉnh: UBND các xã,   phường, thị trấn thành lập Tổ công tác liên ngành. Tổ công tác này chịu   sự chỉ đạo trực tiếp của UBND, có nhiệm vụ: Thực hiện rà soát, phân loại   và tập trung, xử lý người lang thang ăn xin; lập hồ sơ ban đầu cho từng   người lang thang ăn xin; tham mưu cho UBND chuyển giao đối tượng về gia   đình hoặc đưa vào quản lý tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp   tỉnh.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức xúc tình trạng ăn xin tái diễn