Nhóm Hunter với hành trình xuyên Việt. |
Buổi sáng thứ ba, tầm 9 giờ, tháp chưa có nhiều khách tham quan. Trên dốc lên tháp, có hai vợ chồng người nước ngoài dáng dấp châu Á và cậu con trai đang chụp ảnh. Họ nói chuyện nghe như tiếng Nhật hay tiếng Trung Quốc. Tôi tránh làm vướng cảnh chụp của họ, lách mình đi lên.
Thầy Chăm ngồi một mình nhàn tản trên băng ghế đá trước tháp chính. Thầy nhận ra tôi từ xa. Tôi đến gần chào thầy và cùng ngồi trên băng ghế đá trò chuyện. Sau khi hỏi thăm, tôi mừng vì sức khỏe thầy cũng bình thường.
Câu chuyện của tôi và thầy hơi tẻ nhạt, vì cả hai đều không có gì biến động trong cuộc sống. Cả tôi và thầy đều làm việc, sinh sống bình thường. Nói vui theo kiểu “tếu táo” của họa sĩ già Nguyễn Văn Của là “sống qua ngày – chờ qua đời”.
Buổi sáng ở tháp không gian yên lắng, khoảng sân trước tháp chưa có bóng người, hơi buồn, nhưng nếu cần một không gian để thư giãn thì khung cảnh này hết sức thích hợp. Tôi nói:
- Tháp Posha Inư lừng danh địa chỉ du lịch của Phan Thiết mà sao vắng vậy thầy?
- Hôm nay thứ ba mà, đến thứ bảy, chủ nhật mới cao điểm tập trung khách du lịch. Lại đang là mùa mưa. Khoảng hai mươi ngày nữa là tới Tết Ka tê của người Chăm rồi, lúc ấy sẽ rộn ràng không thua gì ngày Tết Nguyên đán. Bây giờ yên tĩnh vậy, biết đâu chút nữa có khách tham quan không khí sẽ rộn ràng ngay.
Gia đình người khách nước ngoài lên tháp. Ngang qua chỗ chúng tôi, người đàn ông tầm tuổi trên bốn mươi, gật đầu chào nói “Hello!”. Tôi nói: “Hello! Are you Japanese or Chinese?”. Người khách nói: “Japanese!”. Tôi nói: “Have a good holiday!”. Người khách cười. Đó là những người khách Nhật Bản. Tôi vừa chúc họ một kỳ nghỉ vui vẻ. Họ cười thân thiện.
Khoảng sân trước tháp chính chợt rộn ràng khi một một nhóm thanh niên vừa lên. Họ gồm có 6 người, tầm 22, 23 tuổi, gồm 4 nam và 2 nữ. Tất cả đều trẻ đẹp, toát lên vẻ sinh động, đầy hứng khởi. Các bạn trẻ chụp hình cho nhau ở nhiều góc độ, nhiều tư thế. Nhiều nhất là tư thế bay tung người lên không và múa Chăm.
Tôi quan sát họ: cả 6 bạn trẻ đều mặc đồng phục như nhau. Áo thun đen (đồng phục), quần jeans bụi (tự do), đi giày Biti’s. Đặc biệt trước ngực áo của họ đều có in dòng chữ nổi bật “Team Hunter”. Team Hunter là nhóm thợ săn. Họ săn gì đây?
Các bạn trẻ chụp hình cho nhau, rồi đề nghị tôi và thầy Châu Khê Ngọc cho họ chụp hình chung làm kỷ niệm. Dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý. Làm quen với nhau, được biết tên hai cô gái xinh xắn là Trang và Nguyệt. Hai bạn trai là Tân và Tuấn (còn 2 bạn trai nữa tôi không hỏi tên). Tôi hỏi:
- Team Hunter! Các bạn là nhóm thợ săn, đồng phục như nhau, các bạn săn gì nhỉ? Làm sao các bạn tập hợp được để du lịch như thế này?
Tân, có vẻ lớn hơn các bạn vài tuổi, hình như là trưởng nhóm cho biết họ đang tham dự chương trình “Kỳ thực tập trong mơ”; đó là một hành trình xuyên Việt. Họ khởi hành ngày hôm qua tại thành phố Hồ Chí Minh bằng xe gắn máy. Hành trình của họ là:
Chặng 1: Duyên hải miền Trung, từ 22/8 đến 27/8. Sài Gòn - Kê Gà - Phan Thiết - Ninh Thuận - Nha Trang - Điệp Sơn - Đại Lãnh - Tuy Hòa - An Ninh Đông.
Đến Bình Thuận, tối hôm qua họ ngủ tại Mũi Kê Gà. Sáng nay, từ Kê Gà đi xe gắn máy đến tháp Posha Inư, rồi đi tham quan thành phố Phan Thiết. Ngày mai, họ lại tiếp tục lên đường theo lịch trình.
Chặng 2 của họ: Thời gian 29/8 - 3/9 Hà Nội - Nghĩa Lộ - Sapa - Lào Cai - Pha Long - Sì Mà Cai - Xin Man - Hoàng Su Phì - Lũng Cú - Mèo Vạc - Bản Giốc.
Một cuộc rong chơi của tuổi trẻ xuyên Việt thật tuyệt vời! Tân và Tuấn cho biết: “Kỳ thực tập trong mơ” do Công ty giày Biti’s tài trợ. Hunter là một nhãn hiệu giày của Biti’s (À ra thế!). Chương trình này giúp các bạn trẻ có cơ hội tham quan đất nước, trải nghiệm hành trình, khám phá bản thân. Có 7.000 ứng viên đăng ký tham gia chương trình này. 6 bạn trẻ này (3 Hà Nội, 3 TP. Hồ Chí Minh) đã vượt qua 7.000 ứng viên để dành được 6 suất tài trợ đi xuyên Việt của Biti’s sau 3 kỳ thi tuyển về các nội dung: Khát khao khám phá - Cảm hứng xê dịch - Thể hiện bản lĩnh.
Tôi chợt cảm thấy đây là những chàng trai, cô gái đầy bản lĩnh và rất thông minh. Bởi vì vượt qua cuộc tranh đua gồm 7.000 ứng viên chắc chắn không phải là chuyện dễ dàng.
Tôi hỏi:
- Bạn có cảm tưởng gì khi đến Phan Thiết?
Tân nói:
- Cháu thấy người Phan Thiết rất là hiền hòa, hiếu khách. Mũi Kê Gà đẹp, tháp Posha Inư đẹp, bọn cháu còn khám phá thêm nữa.
- Đi xuyên Việt như thế này các bạn có cảm hứng gì?
- Đi để yêu thương Tổ quốc hơn, chú à.
- Khi Tổ quốc gọi thì các bạn sẵn sàng nhé.
- Tất nhiên rồi chú.
Máy bộ đàm Tân đeo bên hông bỗng vang lên: “Còn 10 phút nữa, yêu cầu các bạn tập trung”.
Tân nói:
- Bọn cháu đi gắn máy nhưng có xe của ban tổ chức đi theo. Bây giờ bọn cháu phải tập kết về địa điểm quy định. Cháu chào các bác nhé.
Các bạn trẻ lần lượt chào và bắt tay tôi và thầy Chăm. Tôi chúc họ có một hành trình “thực tập trong mơ” lý thú.
Họ xuống dốc tháp. Tôi rủ thầy Ngọc xuống chân tháp uống cà phê.
Trên đường xuống, tôi gặp 3 phụ nữ trẻ, mặc áo dài rất đoan trang đang loay hoay chụp ảnh. Đang vui, tôi hỏi họ:
- Các bạn người ở đâu đến đây tham quan à?
Cả ba cô cùng bật cười:
- Bọn em người Phan Thiết ạ. Bọn em là giáo viên Trường Hùng Vương. Hết hè sắp đi dạy lại rồi, tranh thủ thăm tháp Posha Inư, thư giãn.
Tôi chúc họ vui vẻ và cùng thầy Ngọc xuống tháp.
Ngồi uống cà phê với thầy Ngọc trên băng ghế đá ở bãi xe của tháp, tôi thấy các “thợ săn” đã lên yên xe máy. Điều đặc biệt là xe máy của họ giống hệt nhau về màu sắc (xanh đen) và kiểu dáng. Tôi cảm thấy tò mò.
Tôi lại gần họ hỏi:
- Các bạn sao lại đi xe giống hệt nhau thế?
Một bạn nói:
- Xe của hãng Yamaha tài trợ ạ.
(À ra thế!).
Tôi hỏi thêm câu cuối cùng:
- Thế họ cho xe luôn hay cho mượn?
- Cho mượn thôi ạ.
Sau câu nói là tiếng cười của các bạn trẻ và tôi vang lên giòn giã.
Họ chào tạm biệt tôi thêm lần nữa và nổ máy xe lên đường.
Tôi trở lại băng ghế đá với thầy Ngọc.
Sáng nay, một buổi sáng mở đầu với không khí hơi buồn, mà lại hóa ra vui với nhiều tiếng cười, nhiều lời chào, lời chúc. Cuộc đời vui như thế này thì xem ra câu của họa sĩ già “sống qua ngày, chờ qua đời” chẳng đúng mấy!
Ghi chép: Võ Hoàng Minh