Theo dõi trên

Các địa phương ven biển chủ động ứng phó siêu bão Rai

16/12/2021, 17:22

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Bình Thuận, chiều nay (16/12), bão Rai tiếp tục mạnh thêm, trở thành một cơn siêu bão với sức gió mạnh nhất đạt cấp 16, giật trên cấp 17

 Lúc 13 giờ, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 126,1 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, cường độ suy yếu dần. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào Biển Đông. Cảnh báo từ trưa ngày mai (17/12), khu vực ngoài khơi vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý), gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Sóng biển cao trung bình 3 – 5 m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.

dbqg_xtnd_20211216_1400.gif
Hướng di chuyển của siêu bão RAI

Cũng vào trưa nay (16/12), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện đến các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (trong đó có Bình Thuận) về việc chủ động ứng phó bão RAI.

Theo đó, bão Rai hiện duy trì cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh. Đêm 17/12 sẽ đi vào biển Đông, khi vào sát bờ có thể đổi hướng. Khu vực đất liền ven biển và các đảo sẽ có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11. Do đó, để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão. Thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn, tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, sẵn sàng triển khai đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển.

Đối với đất liền, hải đảo, cần rà soát triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các đảo. Sẵn sàng triển khai biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ điểm xung yếu. Tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập. Song song, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Sẵn sàng triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở, rà soát nhà ở không an toàn cùng phương án kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông…

KIỀU HẰNG

Bài liên quan
Công điện ứng phó cơn bão RAI
Sáng nay (15/12), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có công điện đến các địa phương trong tỉnh và các sở, ngành liên quan về chủ động ứng phó cơn bão RAI. Qua đó, để chủ động đối phó với bão, đảm bảo an toàn cho người và các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, sóng lớn, gió mạnh và sạt lở bờ biển, mưa, lũ ngập lụt xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các địa phương ven biển chủ động ứng phó siêu bão Rai