Theo dõi trên

Các gói hỗ trợ chính sách giải ngân rất thấp

25/05/2024, 15:15

BTO-Đó là phát biểu của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận khi tham gia góp ý Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại nghị trường Quốc hội sáng 25/5.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh nước ta rất đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đất nước đối mặt với nhiều khó khăn. Điểm nổi bật nhất sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43 là những kết quả vĩ mô đã đạt được, gồm: Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Có được kết quả như trên là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

0f902a5495c35a00a5235e2d01d0d152.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận khi tham gia góp ý Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại nghị trường Quốc hội sáng 25/5.

Những hạn chế cần tháo gỡ…

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua giám sát thực hiện Nghị quyết 43 còn một số hạn chế, lớn nhất là không triển khai được đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi, khiến cho mục tiêu đề ra không đạt như kỳ vọng. Cụ thể là tiến độ nhiều dự án đầu tư công chậm, không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 – 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện.
Các gói hỗ trợ chỉ giải ngân được tỷ lệ rất thấp, trong đó đáng chú ý là những chính sách mà người dân, nhất là công nhân lao động và cộng đồng doanh nghiệp, quan tâm và chờ đợi như là sự cứu cánh, thì kết quả lại hết sức khiêm tốn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác…

“Trong bối cảnh nguồn lực hết sức khó khăn nhưng Chính phủ, Quốc hội đã cân đối, dành nguồn lực phân bổ cho các chương trình, dự án nhằm phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta chưa sử dụng hết, sử dụng chưa hiệu quả, đây cũng được xem là một sự lãng phí. Về nguyên nhân, bên cạnh ý kiến của Đoàn giám sát đã nêu còn nguyên nhân chính vẫn là yếu tố con người”, đại biểu Thông nhấn mạnh.

Hiện nay tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Tuy vậy, tình trạng này không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng. Hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân khác là văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo. Nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp. Thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế. Việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm…

Ở khía cạnh khác, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung? Đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào? Đại biểu Thông đặt vấn đề và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu...

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Phát triển sản xuất giảm phát thải các bon gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm”
BTO-Đây là nội dung hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã Hàm Minh phối hợp tổ chức tại Hàm Thuận Nam vào chiều 24/5.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các gói hỗ trợ chính sách giải ngân rất thấp