Với mong muốn thu hút dự án lấp đầy những KCN đã hoàn thiện hạ tầng nên địa phương và các sở, ban, ngành liên quan luôn nỗ lực tạo cơ chế, chính sách thông thoáng trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp tại KCN. Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết đơn vị cũng rất quan tâm triển khai công tác xúc tiến đầu tư và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư vào KCN theo chức năng…
Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận tích cực phối hợp thực hiện tốt hoạt động xúc tiến đầu tư có liên quan theo chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh. Như trong nửa cuối năm 2023 đã tổ chức thành công các hội thảo về: Giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN, xúc tiến đầu tư tại chỗ trên lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản… Nhờ đó, năm vừa qua thu hút được 9 dự án đầu tư mới, trong đó có 8 dự án đầu tư trong nước, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.500 tỷ đồng và 3,6 triệu USD.
Tiếp nối năm 2024, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN, dự kiến tới đây sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Bình Thuận gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư. Ngoài ra khi có điều kiện cũng tổ chức đoàn công tác đến các khu kinh tế, khu chế xuất, KCN trọng điểm của một số tỉnh, thành nhằm học tập kinh nghiệm và gặp gỡ, vận động đầu tư vào Bình Thuận. Bên cạnh đó còn tính đến tổ chức tiếp xúc, làm việc giới thiệu môi trường, chính sách đầu tư cũng như đưa nhà đầu tư đi khảo sát thực tế tại các KCN. Tiếp nữa là đăng ký làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ giải quyết những vướng mắc liên quan đầu tư và phát triển KCN trên địa bàn tỉnh…
Được biết, những tháng đầu năm nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp chủ đầu tư hạ tầng tăng cường giới thiệu tiềm năng, lợi thế và đăng tải thông tin trên phương tiện truyền thông nhằm mời gọi đầu tư vào Bình Thuận. Kết quả ghi nhận cho thấy có nhiều nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN tại địa phương. Đồng thời thu hút thêm 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.045 tỷ đồng, đó là: Dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy Huy Tường (vốn đầu tư 50 tỷ đồng tại KCN Hàm Kiệm II), dự án Nhà máy xỉ titan Sông Bình (vốn đăng ký 995 tỷ đồng tại KCN Sông Bình). Như vậy đến nay, các KCN trên địa bàn Bình Thuận đã thu hút tổng cộng 87 dự án bao gồm 25 dự án đầu tư nước ngoài, 62 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 17.720 tỷ đồng và 190,83 triệu USD.
Các KCN Bình Thuận hiện có lợi thế về giá thuê đất, phí hạ tầng, chi phí nhân công rẻ và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện (có Cảng quốc tế Vĩnh Tân, tuyến cao tốc đường bộ đi qua địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng, Sân bay Phan Thiết đang triển khai đầu tư), vì vậy giúp nhà đầu tư tiết kiệm trong quá trình kết nối sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt môi trường đầu tư tại Bình Thuận tiếp tục chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến hoạt động hiệu quả, phát triển thịnh vượng… cũng tạo niềm tin để thu hút dự án lấp đầy các KCN vào thời gian tới.
Thực tế cũng cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong KCN tại địa phương vẫn ổn định và có đơn hàng để duy trì hoạt động, nhất là ở lĩnh vực: May mặc, da giày, đồ gỗ, nông - lâm - thủy sản… Tính chung qua 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu của các KCN ước đạt 3.350 tỷ đồng (tăng 12,5% so cùng kỳ), đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 80 triệu USD (tăng 15,5%) và nộp ngân sách 75 tỷ đồng (tăng 13,5%)…