Theo dõi trên

Đề xuất các mô hình khuyến ngư phù hợp ở vùng biển trao quyền quản lý Hàm Thuận Nam

13/05/2024, 05:22

Năm 2019, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các tổ chức cộng đồng theo Luật Thủy sản năm 2017. Từ cơ sở này phù hợp nhiều tiêu chí để triển khai các mô hình khuyến ngư.

Từ vùng biển mở

Mô hình đồng quản lý xuất phát từ chính ý tưởng, đề xuất của những ngư dân tâm huyết tại xã Thuận Quý (từ năm 2008), xin giao vùng biển để bảo vệ, khoanh dưỡng, tổ chức khai thác hợp lý nguồn lợi sò lông. Năm 2015, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý” được Hội Nghề cá tỉnh xây dựng và được Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF SGP) tài trợ kinh phí thực hiện. Đây là mô hình rất mới mẻ, lần đầu tiên được áp dụng tại huyện Hàm Thuận Nam trong vùng biển mở.

z4685577649769_df8f0938125d8bf68c76781fb49acf74.jpg
Thả sò lông con trong vùng biển trao quyền quản lý góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam.

Từ những kết quả đạt được của mô hình thí điểm tại Thuận Quý, đến năm 2018, UNDP/GEF SGP tiếp tục tài trợ thực hiện nhân rộng cho 2 xã Tân Thành và Tân Thuận qua dự án “Thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam” với mục tiêu tiếp tục củng cố tổ chức cộng đồng tại xã Thuận Quý, phát triển nhân rộng đồng quản lý cho các xã Tân Thành, Tân Thuận.

Từ nền tảng vững chắc đó, cộng với thiên nhiên đã ưu đãi cho 3 xã ven biển nguồn lợi thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao, tạo ra sinh kế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Thạc sĩ Lại Duy Phương – Viện Nghiên cứu Hải sản – thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trong những lần đến khảo sát vùng biển Hàm Thuận Nam cho rằng: “Chất đáy vùng biển Hàm Thuận Nam được cấu thành bởi cát, sỏi, san hô chết, bãi rạn san hô và bãi đá ngầm. Trong cát đáy có tỷ lệ bùn và lẫn nhiều vỏ động vật than mềm. Vùng nước thường xuyên có dòng chảy thủy triều, tốc độ cực đại ở tầng mặt có thể đạt 54 cm/s. Do đó, đáp ứng đầy đủ tiêu chí để hình thành mô hình khuyến ngư phù hợp, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên”. Theo đó, ông Phương đã đề xuất 3 mô hình như: nuôi quảng canh sò lông tại xã Thuận Quý, nuôi vẹm xanh tại mũi Hòn Lan – xã Tân Thành và nuôi hàu Thái Bình Dương.

z3850957713948_7dc610e69f80ef176acc73f7ec2833d8.jpg
Vùng biển xã Thuận Quý này rất phù hợp để nuôi sò lông.

Đến các mô hình triển vọng

Thuận Quý là xã đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển có diện tích 16,5 km2 với tên “Hội cộng đồng ngư dân quản lý và khai thác nguồn lợi sò lông”. Do đó, vùng biển này rất phù hợp để nuôi sò lông vì có nhiệt độ, độ mặn cũng như chất đáy là cát bùn và vụn san hô chết (cát chiếm 60 - 80%) rất phù hợp. Mô hình này đang được nuôi thành công ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau…

vem-xanh_1672713256.jpg
Mô hình nuôi vẹm xanh đang phát triển ở nhiều tỉnh, thành.

Khi nuôi nên lựa con giống có khối lượng 400 - 600 con/kg, có kích thước đồng đều, màu trắng hồng, có thể thu gom ngoài tự nhiên hoặc từ các cơ sở sản xuất. Mật độ thả giống từ 100 - 150 con/m2 vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát, khi thủy triều đang lên. Đối với sò lông, có thể thả nuôi quanh năm, nhưng thời gian thả giống tập trung từ tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10 dương lịch. Sau 7 tháng thả nuôi sẽ tiến hành thu tỉa những cá thể đạt kích cỡ thương phẩm (40 - 50 con/kg) cá thể chưa đạt kích cỡ tiến hành nuôi tiếp.

giong-hau-thai-duong.jpg
Hình thức nuôi hàu treo trên bè (ảnh: internet)

Đối với mô hình nuôi quảng canh vẹm xanh tại Hòn Lan – Tân Thành cũng sẽ được nuôi trong vùng biển được giao quyền quản lý là 9,2 km2. Vùng biển quanh Hòn Lan có điều kiện khá phù hợp cho vẹm phát triển. Tùy thuộc vào độ sâu có thể lựa chọn các phương pháp nuôi như: nuôi đáy áp dụng cho vùng nước là rạn đá ngầm, rạn san hô chết chủ yếu là vùng triều thấp. Hoặc nuôi giàn treo bằng cách dùng tre, gỗ, cọc bê tông và dây thừng kết thành các giàn 5 x 10 m và kết thành nhiều giàn với nhau thành mảng lớn. Phương pháp này tận dụng được tầng nước, nguồn thức ăn phong phú và dễ thu hoạch. Ngoài ra, cũng có thể dùng phương pháp nuôi cọc, dùng cọc tre, gỗ... cắm cố định xuống nền đáy, khoảng cách giữa các cọc khoảng 0,5 - 1 m. Với mô hình này cần có biện pháp di dời vẹm nuôi đến địa điểm an toàn khi có sự cố, cần có biện pháp tỉa thưa khi mật độ vẹm bám quá dày. Sau 2 năm nuôi, kích thước trung bình đạt >10 cm thì tiến hành thu hoạch.

z5285453002943_7817c0bce05d2e45605e0e546b576a0f.jpg
Ông Đồng Văn Triễm - Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý.

Bên cạnh đó, vùng biển trao quyền quản lý 3 xã nơi đây còn phù hợp để nuôi hàu Thái Bình Dương. Loài hàu này thường sống ở tuyến hạ triều có độ mặn cao, ổn định, nước trong sạch, những vùng có diện tích mặt nước lớn, vùng nước có dòng chảy lưu thông, giàu sinh vật phù du. Khu vực nuôi hàu có độ sâu 3 - 6 m đối với nuôi bè, còn nuôi giàn có thể lựa chọn vùng triều gần bờ, vùng nước nông. Người nuôi có thể nuôi từ 10 - trên 200 bè đối với hình thức nuôi treo trên bè và 150 dây nuôi (đối với hình thức nuôi dây); 1 - 3 ha đối với hình thức nuôi khay đặt trên giàn, năng suất đạt trên 200 tấn/năm. Sau 8 - 12 tháng, kích thước hàu đạt trên 7 cm, sẽ tiến hành thu hoạch. Từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm người nuôi có thể thu hoạch, vì đây là thời điểm hàu đạt độ béo cao 20 - 25% (khoảng 4 - 5 kg hàu cả vỏ cho 1 kg thịt hàu).

“Đây cũng là nguyện vọng của các ngư dân trong Hội Cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý nói riêng và 2 xã còn lại nói chung, khi xây dựng các mô hình nuôi hàu, vẹm xanh, sò lông. Tuy nhiên, để các mô hình này thành hiện thực, cần sự tham gia tích cực của các thành viên Hội cộng đồng ngư dân vì nằm trong vùng biển đồng quản lý. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm huy động năng lực của các bên đảm bảo sự ổn định, lâu dài và phát huy hiệu quả của mô hình. Ngoài ra, còn vấn đề an ninh, bảo vệ vùng biển cần có cơ chế, quy định xử lý các tàu khai thác trái phép vào khu vực nuôi”, ông Đồng Văn Triễm - Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân Thuận Quý chia sẻ.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Hàm Thuận Nam
BTO-Sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Hồng Hải làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản; lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam và 3 Hội Cộng đồng ngư dân ở 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất các mô hình khuyến ngư phù hợp ở vùng biển trao quyền quản lý Hàm Thuận Nam