Theo đại biểu Yến, để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tiễn, cũng như để hoàn thiện chính sách thu thuế phù hợp với mục tiêu đề ra trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và góp phần thực hiện Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với quy định về người nộp thuế, tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định: ngoài tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) thì có bổ sung thêm một chủ thể được gọi là hộ. Hiện nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của nước ta chưa có một giải thích từ ngữ nào liên quan đến hộ, mà chỉ có là hộ gia đình hoặc là hộ kinh doanh. Đối với hộ gia đình đã được quy định tại Bộ Luật dân sự và theo quy định của Bộ Luật dân sự thì hộ gia đình là chủ thể tham gia giao kết các hợp đồng một cách thường xuyên và tại Điều 106 Bộ Luật dân sự quy định, hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.
Như vậy, theo quy định của Bộ Luật dân sự có thể hiểu rằng, hộ gia đình thường xuất hiện ở các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định về hộ kinh doanh: “ Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ...”. Như vậy đã có xuất hiện hai khái niệm liên quan đến hộ, mà khái niệm hộ được quy định trong dự thảo Luật chưa được xác định rõ, được hiểu như thế nào là hộ?.
Một vấn đề khác là, khi đề cập đến khái niệm về tổ chức, cá nhân thì thuật ngữ đề cập đến tổ chức hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể, Bộ Luật dân sự có đề cập đến tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức chưa có tư cách pháp nhân và Bộ Luật dân sự có quy định cụ thể pháp nhân là gì. Như vậy, khi đề cập đến hộ gia đình hay hộ kinh doanh và theo cách hiểu thông thường thì đây là tổ chức chưa có tư cách pháp nhân, như vậy, dự thảo Luật không cần thiết phải bổ sung hộ mà chỉ cần sử dụng cụm từ “tổ chức, cá nhân” đã bao hàm cả khái niệm hộ.
Để hoàn thiện nội dung, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại nội dung để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bởi khi nói đến tổ chức là đang đề cập đến tổ chức kinh tế và các tổ chức khác (không phải là tổ chức kinh tế), và tổ chức kinh tế lại được quy định tại Luật Đầu tư. Việc bổ sung những đối tượng chịu thuế như: hộ, hộ gia đình hay hộ kinh doanh là hoàn toàn phù hợp với việc chúng ta đang chính thức hóa những hoạt động của nền kinh tế phi chính thức mà các hộ kinh doanh hiện nay cũng đã được xác định là đối tượng phải nộp thuế, có nghĩa là họ cũng thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nhưng việc bổ sung vào dự thảo Luật cần phải có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành…